Mới từ trong “ruột”

(ANTĐ) - Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phát động thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 cả nước có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo 19 bộ tiêu chí và đến năm 2020 sẽ đạt 50%.
Mới từ trong “ruột” ảnh 1
Ảnh minh họa
Lẽ ra tiến trình xây dựng nông thôn mới phải được tiến bước song hành với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa từ nhiều chục năm trước nhưng đến nay mới “xuất phát” là đã khá muộn, để lại nhiều hệ lụy do sự chậm trễ này. Trên thực tế, việc xây dựng nông thôn mới đâu phải là chuyện gì mới mẻ, xa lạ ở nước ta. Đã từng có những chương trình “Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới”, “Hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến”, rồi “Hợp tác xã nông nghiệp cao cấp”, “Cánh đồng 5 tấn”… được trống giong cờ mở phát động rầm rộ, chỉ sống một thời gian rồi rơi vào quên lãng. Nguyên nhân thất bại là vì ý chí hình thành các mô hình này được “nhập khẩu” từ bên ngoài và “dội” từ trên xuống, chứ đâu phải “nảy mầm” từ mảnh đất, từ nhu cầu bức thiết của nông dân. Để xây dựng mô hình mới này, Hà Nội, TP.HCM và các địa phương sẽ phải đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, trung bình mỗi xã phải rót xuống hàng trăm tỷ đồng. Tiền là vấn đề đầu tiên nhưng để biến một mô hình đẹp trong ý tưởng thành một hiện thực, chứ không dừng lại ở “phong trào”, nặng về phô trương, hình thức, điều cực kỳ quan trọng có ý nghĩa quyết định là phải xây dựng một nông thôn thực sự mới từ trong “ruột”, mang tính bền vững lâu dài tồn tại cùng thời gian. Thực ra, việc bắt tay xây dựng vài chục, thậm chí vài trăm xã nông thôn mới đáp ứng đầy đủ toàn bộ 19 tiêu chí trong một thời gian ngắn, có lẽ không phải là quá khó. Chính phủ chỉ cần đầu tư tập trung, quy mô lớn trong nửa năm hoặc một năm là có thể có ngay mạng lưới điện, đường, trường, trạm, bưu điện, khu xử lý rác thải tập trung, nhà văn hóa; đồng thời thỏa mãn đầy đủ 5 nhóm tiêu chí về môi trường, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế. Song, làm sao để “nuôi dưỡng”, để nó sẽ “sống” được mới là điều cốt yếu? Chắc trong tâm trí nhiều người vẫn không quên thập kỷ 70-80 của thế kỷ trước, một vài mô hình “xã nông nghiệp kiểu mẫu” như Định Công của Thanh Hóa, Đan Phượng của Hà Tây… đã được dày công sức, tiền của dựng lên cho cả nước soi vào học tập, áp dụng. Khi đó, chủ nhiệm hợp tác xã được đi xe con, mỗi nhà đều được mắc loa phóng thanh, đường làng thì được lát gạch đỏ rộng thênh thang, sướng nhất là nhà nào cũng không lo chạy gạo từng bữa. Thật đúng là nằm mơ giữa ban ngày, vậy mà tất cả đã “tan mộng” khi không còn “bầu sữa” của Nhà nước, nhất là khi mô hình lý tưởng đó không được đặt trên nền móng nhu cầu sát sườn của nông dân và do chính bàn tay họ dựng nên. Từ những bài học này, theo một số chuyên gia, trong cuộc vận động này, Nhà nước chỉ nên đóng vai trò định hướng, chỉ dẫn cho nông dân trong quá trình sản xuất, phát triển kinh tế hàng hóa, quy hoạch kinh tế - xã hội, tạo cơ chế, ban hành chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nông thôn phát triển, huấn luyện, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật về giống, cây trồng, canh tác; cung cấp, đào tạo, huấn luyện cán bộ. Nhà nước sẽ cấp vốn ban đầu, vật liệu, kỹ thuật để xây dựng trường học, bệnh viện, chợ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng cho sản xuất. Xây dựng mô hình nông thôn mới là yêu cầu cấp thiết. Nông thôn chắc chắn phải mới từ trong “ruột” sao cho bền vững, “hồn” làng quê vẫn còn, thanh niên không ly hương. Làng quê mãi mãi là chốn bình yên đi về của người thành thị.