Mỗi trường thu BHYT một kiểu: Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tới đâu?

ANTĐ - Đầu năm học này, vấn đề tăng phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở và thay đổi cách thu BHYT theo năm tài khóa đã khiến nhiều phụ huynh bất bình và làm nóng dư luận xã hội. Chiều 16-9, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) đã thông tin chính thức về vấn đề này.

- PV: Năm nay là lần đầu tiên thực hiện thu BHYT HSSV theo năm tài khóa và HSSV phải nộp 15 tháng phí tham gia BHYT. Nhiều phụ huynh, thậm chí cả giáo viên đến khi thực hiện mới biết, rồi mỗi địa phương thực hiện thu một kiểu khiến phụ huynh rất bức xúc. Trách nhiệm của BHXHVN như thế nào?

- Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT - BHXHVN: Theo báo cáo hiện có 5 tỉnh vẫn triển khai thu BHYT HSSV theo năm học như cũ, 58 tỉnh còn lại bắt đầu triển khai thu BHYT theo hướng dẫn mới, trong đó có 8 tỉnh thu liền một lúc 15 tháng phí tham gia BHYT. Về việc này, chúng tôi đã có thông cáo đăng trên website của BHXHVN để BHXH các tỉnh, thành phố biết và hướng dẫn thực hiện. 

- Ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban Thu - BHXHVN: 8 tỉnh, thành phố đã thông báo thu BHYT 15 tháng liền gồm: TP.HCM, Bến Tre, Bình Định, Bình Phước, Hải Phòng, Khánh Hòa, Quảng Trị, Quảng Ngãi. Ngay từ đầu năm học này, cả 63 tỉnh, thành phố đều đã có hướng dẫn liên ngành BHXH - y tế - giáo dục nên có thể nói chúng tôi đã phổ biến, hướng dẫn kịp thời. Còn việc mỗi địa phương thu một kiểu là do họ thực hiện theo đúng thông tư hướng dẫn, bởi thông tư cho phép các địa phương được linh động chọn cách thu phù hợp.

- Bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc BHXHVN: Cơ quan BHXH cũng có trách nhiệm một phần đã chậm trễ, không thông tin kịp thời. Hai ngành BHXH và y tế tham mưu chưa đến nơi đến chốn nên xảy ra tình trạng giáo viên hoặc phụ huynh không biết rõ về mức đóng BHYT theo quy định mới. Lẽ ra chúng tôi phải làm cho tất cả các trường, giáo viên hiểu rõ hơn về quy định mới này nhưng lại chưa làm hết được. Tuy vậy cũng phải nói rằng chuyện một số giáo viên nói thu BHYT HSSV là “làm hộ”, “thu hộ” ngành BHXH là không đúng, thiếu trách nhiệm. Luật đã quy định rõ Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện đối với đối tượng thuộc ngành quản lý, đây là chính sách an sinh xã hội và tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.

- PV: Tại sao quỹ BHYT đang kết dư khá lớn mà lại tăng mức đóng BHYT HSSV từ 3% lên 4,5%? Dư luận băn khoăn việc thu chi, quản lý quỹ này có minh bạch?

- Bà Nguyễn Thị Minh: BHYT nói chung và BHYT HSSV là an sinh thiết yếu của con người. So với các nước trong khu vực, mức đóng BHYT HSSV của ta dù tăng lên 4,5% thì cũng chỉ mới bằng một nửa hoặc 1/3 của họ. Chẳng hạn phí tham gia BHYT ở Trung Quốc bằng 11,5% lương cơ bản, Đài Loan (Trung Quốc) là 13%, Thái Lan là  6-8% thu nhập thực tế. Mức sống của người dân nước ta còn thấp nên tăng mức đóng sẽ khiến nhiều gia đình khó khăn, song những nhóm khó khăn yếu thế đều đã được hỗ trợ. Hơn nữa, tăng mức đóng BHYT thì người bệnh cũng được hưởng chất lượng dịch vụ y tế tốt hơn. 

BHYT là quỹ ngắn hạn, chỉ được phép sử dụng chi trực tiếp cho khám chữa bệnh và dành 4% chi cho tổ chức thu. Đúng là phần không nhỏ kết dư của quỹ BHYT đến từ BHYT HSSV song cần hiểu rằng bản chất của BHYT không phải chỉ chi trực tiếp cho chính đối tượng đóng mà có tính chia sẻ cộng đồng, lấy của người khỏe chi cho người ốm, của nhóm này chi cho nhóm khác, để nếu chẳng may ốm đau thì được hưởng mức chi cao gấp nhiều lần mức đóng. Còn việc quản lý, công khai minh bạch thu chi BHYT hàng năm là trách nhiệm của BHXH phải làm. 

- PV: BHXHVN và ngành y tế đều nói mức đóng BHYT tăng thì quyền lợi của HSSV cũng tăng nhưng thực tế điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV của nhiều nhà trường còn chưa tốt. BHXHVN nói gì về điều này?

- Bà Nguyễn Thị Minh: Về chất lượng y tế học đường, trách nhiệm trước hết thuộc về ngành giáo dục, trách nhiệm của BHXH là hậu kiểm. Hàng năm, BHXH tỉnh, thành phố sẽ kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực y tế tại trường học sau đó sẽ ký hợp đồng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường. Chỉ những cơ sở đạt điều kiện mới được tổ chức chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV.         

Theo báo cáo của BHXHVN, năm học 2014, có 15 triệu HSSV tham gia BHYT (chiếm 88,5%), tổng quỹ BHYT HSSV là 3.749 tỷ đồng, tổng chi cho HSSV là 1.819 tỷ đồng. Tổng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu ở trường trong năm học 2013-2014 là hơn 511 tỷ đồng nhưng mới sử dụng hết 68%.