Môi trường tại các tỉnh lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy: Không cần mô hình trình diễn

ANTĐ - Nhiều mô hình, dự án bảo vệ môi trường đã được triển khai. Bên cạnh những mô hình có tính bền vững góp phần giúp người dân, doanh nghiệp tham gia tích cực vào công tác bảo vệ môi trường, cũng có những mô hình còn thiếu tính thực tế và không mang lại hiệu quả. 

Nước thải từ hoạt động tráng, rửa sản phẩm được xả trực tiếp ra môi trường

Làng nghề “bức tử” môi trường

Thải ra môi trường 500m3 nước thải mỗi ngày và hơn 40 tấn chất thải độc hại mỗi tháng, làng nghề sản xuất, tái chế nhôm Bình Yên (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) được xem là một trong những làng nghề gây ô nhiễm ở mức độ cao cần ưu tiên xử lý. Tuy nhiên cho đến nay toàn bộ chất thải từ hoạt động sản xuất nơi đây vẫn được xả thẳng ra môi trường.

Đại diện UBND xã Nam Thanh cho biết, Bình Yên là làng nghề chuyên tái chế, cô đúc nhôm từ phế thải như vỏ lon bia, đồ uống đóng hộp để sản xuất chậu, mâm, xoong, nồi... được hình thành từ năm 1989. Ban đầu chỉ có 4 hộ chế tạo các loại chậu, xoong nhôm, đến nay đã có 269 hộ trên tổng số 570 hộ gia đình trong thôn tham gia sản xuất, cô đúc nhôm. Hoạt động sản xuất ở đây đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 2.000 người.

Trực tiếp khảo sát tại làng nghề mới thấy tác động nghiêm trọng từ quá trình sản xuất. Ngay ở đầu làng là con kênh dẫn nước ngập bùn thải bốc mùi khó chịu, mặt nước chuyển màu xanh lơ vì nước thải chứa kim loại nặng. Người dân trong làng cho biết, rau muống mọc dưới kênh trông to thế nhưng cho lợn ăn chỉ một lá là bị tiêu chảy. 

Mặc dù là kênh dẫn nước nhưng lòng kênh là một lớp bùn đặc sệt sâu cả mét. Để ngăn ô nhiễm, người dân ở xã bên buộc phải đắp đập ngăn nước thải từ làng Bình Yên chảy sang. Nước thải trong quá trình sản xuất được xả trực tiếp vào các cống, rãnh rồi chảy ra con mương này. Đi sâu vào giữa làng, cảm giác khó thở ngày càng tăng lên vì khói bụi, chưa kể tiếng ồn không lúc nào dứt từ các xưởng sản xuất. 

Không chỉ có nước thải, các chất thải rắn từ quá trình cô đúc nhôm cũng được các hộ đổ trực tiếp ra lề đường, bờ ruộng, nhiều hộ còn đổ xuống cả kênh, mương. Cách làng chừng 200m, một bãi chất thải ngồn ngộn dọc đường bốc mùi khó chịu, đứng lâu khiến nhiều người hoa mắt, nhức đầu. Trước đây có một số cá nhân, tổ chức thu mua nhưng năm 2009 do quy mô sản xuất của người dân tăng lên đồng thời việc thu mua chất thải này bị cấm nên lượng tồn đọng rất lớn. 

Chất thải rắn nguy hại đổ dọc hai bên đường bên bờ kênh

Khó duy trì nhiều mô hình 

Chính quyền xã cho biết, đã có một số mô hình xử lý ô nhiễm được áp dụng, tuy nhiên sau khi dự án rút đi thì không thể duy trì hoạt động. Ông Nguyễn Văn Ngoãn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nam Thanh chia sẻ, năm 2008 các ngành chức năng của Nam Định và một số tổ chức quốc tế như Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ đã triển khai dự án hỗ trợ mô hình giảm thiểu nước thải từ quá trình nhúng mạ sản phẩm nhôm và giảm thiểu khói bụi với loại hình cô đúc nhôm. “Khi dự án triển khai với khí thế của người dân và nguồn kinh phí đáng kể nên mọi mục tiêu của dự án khá thành công. Nhưng khi dự án kết thúc, cũng là lúc hệ thống bắt đầu hư hại do quá trình sản xuất, lúc này rất ít hộ sửa chữa, khắc phục vì kinh phí phải tự lo”, ông Ngoãn nói.

Ông Nguyễn Văn Ngoãn cho biết thêm: “Năm 2011, cũng có một dự án xử lý nước thải, khí thải và chất rắn được áp dụng. Nhìn chung các mô hình đều thành công nhưng cũng chỉ dừng lại ở mô hình trình diễn vì thực tế trong quá trình sử dụng, chi phí hóa chất, tiền điện tương đối lớn nên không mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ sản xuất”.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định Vũ Minh Lượng cho biết, vấn đề ô nhiễm ở Bình Yên vượt quá khả năng xử lý của địa phương. Ngành môi trường Nam Định cũng đang bế tắc trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề vì cơ chế không rõ ràng và chưa có mô hình quản lý môi trường làng nghề.