Môi trường kinh doanh làm khó doanh nghiệp

ANTĐ - Dù môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể, song những phản ánh của nhiều hiệp hội, doanh nghiệp lại cho thấy, các Bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong công tác này.

“Rừng” thông tư “bao vây” doanh nghiệp

Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2016/NĐ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh diễn ra trung tuần tháng 5 được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt chú ý. Đại diện Công ty TNHH Ford Việt Nam cho biết, có khoảng 15 thông tư của các Bộ, ngành đang làm cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong đó chủ yếu là các văn bản do Bộ Công Thương ban hành, như: Thông tư 37/2015/TT-BCT về kiểm tra nồng độ formaldehyt và amin thơm; Thông tư 12/2014/ TT-BCT về giấy phép nhập khẩu tự động cho từng lô hàng sắt thép; Thông tư 34/2013/TT-BCT không cho phép doanh nghiệp nhập khẩu ôtô được nhập khẩu, phân phối dầu mỡ dành cho xe ôtô…

Ngoài ra còn hàng loạt các văn bản khác do Bộ KH-CN, Bộ GTVT, Bộ VH-TT&DL… cũng có quy định hạn chế doanh nghiệp. “Chúng tôi ủng hộ quy định kiểm tra chất lượng sản phẩm và quản lý chuyên ngành để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, nhưng cách thức quản lý cần thay đổi, từ tiền kiểm sang hậu kiểm để tránh tình trạng chậm đưa hàng vào sản xuất”, đại diện Ford nói.

Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bông sợi, ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết, cách đây khoảng 4 năm, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT yêu cầu lấy mẫu kiểm dịch thực vật sau khi một số lô bông nhập khẩu từ Pakistan về Việt Nam vào mùa mưa, bị ngấm nước và sinh ra bọ.

Đến nay, quy định này vẫn được duy trì. Năm 2015, Việt Nam nhập khẩu hơn 1 triệu tấn bông, tương đương với 50.000 container. Theo quy định, 50% số bông nhập khẩu từ vùng nguy cơ dịch cao như Pakistan, Ấn Độ phải kiểm dịch; 30% hàng nhập từ Mỹ, Australia phải kiểm tra, tỷ lệ kiểm tra trung bình là 35%. “Như vậy, mỗi năm có 17-18.000 container bông nhập khẩu về phải lấy mẫu để kiểm tra. Chi phí mỗi lần là 1 triệu đồng/container với mẫu 0,5kg. Tính ra, doanh nghiệp phải chi 17-18 tỷ đồng/năm cho công tác này.

Thời gian kiểm dịch ngắn là từ 2 đến 5 ngày, dài là từ 7 đến 8 ngày, tạo ra gánh nặng chi phí, nhân công, thời gian… mà nhiều năm gần đây, không phát hiện được bất kỳ lô hàng nào có vấn đề về dịch bệnh”, ông Nguyễn Sơn dẫn chứng. Đại diện Hiệp hội Bông sợi Việt Nam nêu ý kiến: “Chúng tôi đề nghị rút ngắn thời gian thông quan, kiểm dịch, công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm dịch giữa các nước. Trước mắt, hiệp hội đề nghị Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT kiểm dịch từ 30-50% xuống 10-20%, giảm thời gian đăng ký kiểm dịch cho doanh nghiệp”. 

Chặn “cơn nghiện” kiểm tra

Đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh trong 2 năm qua (2014-2015), TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nhìn chung các Bộ, ngành chưa tích cực, ngoại trừ Bộ Tài chính.

“Muốn tăng tốc, chúng ta phải theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm. Tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là quyết liệt đổi mới, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tôi kỳ vọng tinh thần đó sẽ thấm được tới các Bộ, ngành, địa phương”, Viện trưởng CIEM nói. Lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, nếu các Bộ, ngành không thay đổi tư duy thì khó có cách giải quyết. Đồng quan điểm cần phải quản lý Nhà nước một cách chặt chẽ nhưng cách thức quản lý phải thay đổi để thân thiện với cơ chế thị trường, với doanh nghiệp, loại bỏ xin - cho, ông Nguyễn Đình Cung nói: “Nhiều Bộ, ngành dường như đang “nghiện” kiểm tra, mà người nghiện thì khó cai. Chỉ có thể cai nghiện bắt buộc”. 

Nhắc lại thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp ngày 29-4 vừa qua: “Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, là động lực của phát triển kinh tế”, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: “Thủ tướng có quyền đình chỉ, bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh sai thẩm quyền, trái luật và trái quy định cấp trên. Như vậy, các doanh nghiệp có quyền gửi lên Thủ tướng kiến nghị đình chỉ những văn bản, công văn trái thẩm quyền, sai quy định”. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cam kết sẽ cùng Bộ KH-ĐT và các tổ chức khác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, sẵn sàng làm việc trực tiếp với các Bộ về từng vướng mắc của doanh nghiệp, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp

Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ 1-7-2014, nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật này đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Chẳng hạn, giá đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) được nhà đầu tư hạ tầng đẩy lên quá cao. Nhiều nhà đầu tư hạ tầng KCN, CCN không muốn chia nhỏ các lô đất để cho thuê do tăng chi phí đầu tư hạ tầng, chi phí quản lý. Thực trạng này dẫn đến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai trong KCN, CCN. Về thủ tục hành chính trong lĩnh vực này, do việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều ngành như đầu tư, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đất đai, môi trường... nên việc kiểm tra, nghiệm thu công trình cũng do nhiều cơ quan thực hiện. Trong khi, việc liên thông thủ tục chưa được triển khai thực hiện đầy đủ, sự phối hợp liên ngành trong việc kiểm tra, nghiệm thu công trình chưa tốt dẫn đến nhiều đoàn, nhiều cấp triển khai trong nhiều thời điểm khác nhau gây mất thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp.  

Ông Nguyễn Mạnh Hiển, (Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

50 ngày để dán nhãn năng lượng một sản phẩm

Dán nhãn năng lượng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường là cần thiết để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Những sản phẩm công ty chúng tôi sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử dân dụng như LED TV, tủ lạnh, màn hình máy tính… đều cần thực hiện quy định về dán nhãn năng lượng và chúng tôi luôn chấp hành. Tuy nhiên, tất cả các công đoạn để dán nhãn năng lượng cho một sản phẩm là 50 ngày. Hiện tại, cả nước chỉ có một nơi thử nghiệm là Trung tâm 3 (Biên Hòa, Đồng Nai) nên tình trạng quá tải khi nhiều mẫu đo kiểm cùng thời điểm, dẫn đến thời gian thử nghiệm kéo dài. Mặt khác, hồ sơ đăng ký phải gửi ra Hà Nội (Bộ Công Thương) vì không có cơ quan đại diện của Bộ hay Văn phòng năng lượng tại TP.HCM gây phiền hà cho doanh nghiệp. 

(Đại diện Công ty Cổ phần Viettronics Tân Bình)

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năm 2015, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 12 bậc; môi trường kinh doanh tăng 3 bậc. Tuy vậy, môi trường kinh doanh nước ta còn khoảng cách khá xa so với Thái Lan, Singapore và Malaysia.