Mọi tố cáo nặc danh về bầu cử ĐBQH khóa XV sẽ không được xem xét, giải quyết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Theo Hướng dẫn số 13-HD/UBKTTW của ban Chấp hành Trung ương về giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ không giải quyết tố cáo nặc danh về bầu cử.

Tố cáo giấu tên, mạo tên không được xem xét

Theo đó, Điều 5 mục I Hướng dẫn nêu rõ các trường hợp không giải quyết tố cáo gồm: Tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ; Tố cáo có tên đã được cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận, nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới làm thay đổi bản chất vụ việc; Đơn tố cáo có tên nhưng không rõ nội dung, không phản ánh nội dung tố cáo; không phải bản do người tố cáo trực tiếp ký tên; có từ hai người trở lên cùng ký tên; của người không có năng lực hành vi dân sự.

Cũng theo hướng dẫn, những trường hợp không giải quyết khiếu nại là quá thời hạn; đang được cấp trên có thẩm quyền giải quyết; đã được cấp có thẩm quyền cao nhất xem xét, kết luận, quyết định.

Không giải quyết tố cáo nặc danh về bầu cử ĐBQH khoá XV (ảnh minh họa)

Không giải quyết tố cáo nặc danh về bầu cử ĐBQH khoá XV (ảnh minh họa)

Đặc biệt, sẽ không xem xét, giải quyết mọi tố cáo, khiếu nại liên quan đến người ứng cử, việc lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử đến khi bầu cử xong.

Nếu tố cáo thuộc thẩm quyền nhưng chưa xem xét, giải quyết được hoặc đang giải quyết nhưng không thể kết thúc trước 10 ngày tính đến ngày bầu cử thì báo cáo Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp để báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia (với ĐBQH) hoặc Ủy ban bầu cử cấp tương ứng (với đại biểu Hội đồng nhân dân) xem xét, quyết định.

Trường hợp tố cáo đã rõ, đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn ĐBQH, ĐB HĐND thì báo cáo ban thường vụ cấp ủy cùng cấp để báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia hoặc thông báo với ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng xem xét, quyết định theo thẩm quyền về việc xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử.

Kinh phí bầu cử ĐBQH, Đại biểu HĐND

Liên quan đến công tác bầu cử, Thông tư 102/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nêu rõ, từ 8/1/2021, kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử ĐBQH và Đại biểu HĐND do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Cụ thể, chi bồi dưỡng các cuộc họp của Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Chủ trì cuộc họp được chi 200.000 đồng/người/buổi; Thành viên tham dự được chi 100.000 đồng/người/buổi; Các đối tượng phục vụ được chi 50.000 đồng/người/buổi.

Ngoài chế độ thanh toán công tác phí theo quy định, các đoàn công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát bầu cử của UBTV Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia, Uỷ ban Trung ương MTTQQ Việt Nam được chi theo mức: Trưởng đoàn giám sát được chi 200.000 đồng/người/buổi; Thành viên chính thức của đoàn giám sát chi 100.000 đồng/người/buổi; Chi bồi dưỡng các cuộc họp khác liên quan đến bầu cử từ 50.000-150.000 đồng/người/buổi.

Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp phục vụ trong đợt bầu cử, bồi dưỡng theo mức khoán/tháng đối với một số đối tượng với mức chi từ 1,8 triệu đồng/người/tháng đến 2,2 triệu đồng/người/tháng.