Mối tình huyền thoại của người đẹp Hà thành và chiến binh Trung đoàn Tây Tiến

ANTD.VN - Tôi nghe tên bà Lê Thị Tuyết Tô đã 10 năm trước, khi đang khảo cứu tư liệu bổ sung về Trung đoàn Tây Tiến. Khi ấy, các cựu chiến binh Tây Tiến đã chỉ tôi đến nhà bà để được nghe về mối tình huyền thoại. 

Cho đến một ngày, trời xui đất khiến tôi đi tìm bằng được gia đình Liệt sỹ Nguyễn Như Trang, để rồi biết một con người sống thật  trọn nghĩa, vẹn tình khiến tôi vô cùng cảm phục.

Mối tình huyền thoại của người đẹp Hà thành và chiến binh Trung đoàn Tây Tiến ảnh 1Bà Lê Thị Tuyết Tô kể lại câu chuyện tình yêu thời chiến 

Nữ sinh trí thức hút hồn anh Vệ quốc đoàn 

Những năm 1940, con gái Hà thành được cha mẹ cho đi học, đỗ bằng Tú tài phần thứ nhất như bà Lê Thị Tuyết Tô là hiếm lắm. Nhưng khi phát xít Nhật vào Hà Nội (tháng 3-1945), bà phải nghỉ, đi học đánh máy chữ, rồi giúp mẹ bán sách kiêm dạy tiếng Pháp cho trẻ ở hiệu Anh Thư trên phố Bà Triệu. Bỗng một hôm, bà nhận được lá thư của người không quen, do anh hàng xóm đưa đến, trong đó viết tìm hộ cho mấy cuốn sách dịch… Ít hôm sau, bà lại nhận được thư tay, trong viết: “Xin làm học trò nhỏ của cô”.

Cứ thế sau 7 lá thư, đến lá thứ 8 bà mới nhận lời gặp. “Khi gặp anh, tôi choáng thật sự: dáng cao cao, thư sinh, đôi mắt to đen thông minh trên khuôn mặt trắng trẻo. Bộ quân phục cũ, đôi giày vải cũ đầy lãng tử. Trái tim thiếu nữ khi ấy đã rung lên xao xuyến, nhưng đâu dám nói lời yêu”, bà Tuyết Tô kể. 

Sau khởi nghĩa, bà tham gia Ban ca nhạc của Phụ nữ cứu quốc Thành Hoàng Diệu. Người ở Vệ quốc đoàn, người ở ban nhạc, biết tin nhau nhưng ít có dịp gặp nhau. “Gần cuối năm 1946, anh Trang đóng quân ở Lò Lợn. Lúc ấy, theo nguyên tắc bí mật, tôi không được biết anh làm cán bộ của Trung đội bảo vệ các đồng chí cán bộ của Mặt trận khu XI. Một lần tôi đến thăm anh, ngồi nói đủ các chuyện ở phòng khách, chỉ có hai người, anh ấy vẫn không nói yêu, nhưng ánh mắt đã thay lời”, giọng bà dịu nhẹ như chìm vào hồi ức. 

Bà không ngờ, đó là lần gặp nhau cuối cùng trong yên bình, để chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến ở ngay phố phường thân thuộc. Ông Trang viết thư, dặn bà nên tản cư cho an toàn. Gia đình bà Tô tản cư lên Việt Trì quê ngoại, còn bà ở lại đến ngày 18-12-1946 mới lên theo. Từ Việt Trì, dân tản cư lại đi tiếp lên Phan Lương (Phú Thọ). Đây là vùng bộ đội từ Hà Nội thường qua để lên Việt Bắc, bà hỏi được tin tức nên biết người yêu vẫn còn sống khi chiến đấu ở mặt trận Hà Nội. “Thấp thỏm nửa mừng, nửa lo, tôi lên Sơn Dương (Tuyên Quang) tìm anh, không thấy, lại nén lòng về bán gạo ở ga Me thuộc huyện Lập Thạch để sinh sống và cũng dễ biết tin anh qua những chuyến tàu chở bộ đội. Lòng nghĩ, chim trời cá nước, biết bao giờ gặp được nhau”.

Mối tình huyền thoại của người đẹp Hà thành và chiến binh Trung đoàn Tây Tiến ảnh 2Liệt sỹ Nhuyễn Như Trang, hy sinh tháng 11-1948 tại thôn Ngọc Lâm, châu Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình

Tình yêu lãng mạn trong khói lửa 

 Năm 1948, sau chiến thắng giòn giã ở mặt trận Hòa Bình, ông Trang về Bình Ca hội quân và được nghỉ phép ít ngày. Ông đi tìm bà và hai người đã gặp được nhau ở làng Me. Bà Tô kể: “3 ngày ở nhà em gái tại làng Me rồi xuôi đò về Bạch Lưu - nơi ở tản cư của gia đình tôi, là những ngày hạnh phúc vô bờ. Chúng tôi ở lán nhỏ lợp lá cọ trên đồi, nghe anh Trang hát, đọc thơ, bình thơ của Bà Huyện Thanh Quan.

Ngọn lửa chiến tranh như đã ở rất xa vùng đồi thơ mộng, dành riêng cho hai chúng tôi. Sau đó, anh Trang về Yển Khê (huyện Thanh Ba) xin phép cha mẹ, rồi về quê nội ở Cao Xá (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), thắp hương báo cáo tiên tổ và trở lại Bạch Lưu làm lễ vấn danh”. Do ông không báo trước nên hôm đó chỉ có bố bà Tuyết Tô ở nhà. Ông dâng lễ, xin được tác thành, rồi sang làng Nhân Lạc ngủ nhờ nhà dân chứ không dám ở lại với gia đình bà vì chưa làm đám cưới. 

Ngày tiễn ông về lại đơn vị ở Hòa Bình, chia tay nhau ở bến Dốc, bà chỉ có chiếc khăn phu la tặng ông làm tín vật. Ông cắt lọn tóc của bà mang theo cùng bức tranh ông vẽ bà chiều ấy trên bến sông. Sau này, bà được nghe nhạc sĩ Doãn Quang Khải kể lại, bức tranh ấy, ông đưa cho nhạc sĩ xem khi kể về mối tình của hai người. Ông viết thư về động viên bà: “Bao giờ về để được ăn cơm muối vừng vợ làm” và hẹn đám cưới  sẽ do Chính ủy Trung đoàn Tây Tiến Hùng Thanh làm chủ hôn. “Tôi viết thư cho anh, nhưng nhận lại một phong bì rất dày, trong đó, đơn vị báo tin anh đã hy sinh ngày 19-11-1948 tại thôn Mu, xã Ngọc Lâu, Châu Lạc Sơn, Hòa Bình. Tin dữ như sét đánh ngang tai! Tôi mất anh khi mới 22 tuổi”, giọng bà Tô nghẹn lại.

Mối tình huyền thoại của người đẹp Hà thành và chiến binh Trung đoàn Tây Tiến ảnh 3Những chiến binh Trung đoàn Tây Tiến hào hoa, bi tráng một thời

Nghĩa tình vẹn tròn, sáng  trong như ngọc

Tôi may mắn được gặp anh chị em của Liệt sỹ Nguyễn Như Trang trong căn phòng nhỏ ấm cúng của bà Nguyễn Thị Như Nguyệt ở tập thể Kim Liên. Từ hàng chục năm qua, họ luôn coi bà Lê Thị Tuyết Tô như người ruột thịt.

Bà Nguyệt kể, khi ông Trang hy sinh, bà Tuyết Tô xin phép cha mẹ đẻ về sống trong gia đình chồng suốt 9 năm, vừa đi dạy học, vừa trông coi các em, lớn nhất là bà Nguyệt 16 tuổi, nhỏ nhất là cậu út Như Bích gần 2 tuổi. Hiếu nghĩa với cha mẹ, bao dung với đàn em, bà đã để lại những ân tình sâu nặng.

“Tôi nhớ mãi lời cụ giáo, cha anh Như Trang nói khi tôi lên nhà các cụ ở Yển Khê sau Tết Kỷ Sửu 1949: “Lần thứ nhất, tôi khóc Trang, khi nghe tin thằng Trang mất; lần thứ hai, tôi khóc, khi gặp chị đây. Nhìn thấy chị, là tôi nhìn thấy thằng Trang rồi”. Tôi ở lại với các cụ, như con cái trong nhà”, bà Tuyết Tô nhớ lại.

Dạy học trường cấp 1 Yển Khê đến ngày giải phóng Điện Biên thì bà chuyển sang dạy trường phổ thông Xuân Lũng (Lâm Thao). Cuộc sống mới của bà Tuyết Tô bắt đầu ở ngôi trường này, duyên phận đơm hoa, kết trái hạnh phúc năm 1957. Chồng bà khi đó là Trưởng ban thiết kế, kỹ sư trưởng Nhà máy pin Văn Điển. Rồi bà cũng chuyển về Hà Nội, dạy học ở trường THCS Quang Trung, khu Hoàn Kiếm (nay là trường Tiểu học Quang Trung, quận Hoàn Kiếm). Vun vén gia đình an vui, con cháu khôn lớn trưởng thành, nhưng bà không bao giờ quên lễ nghĩa. Hàng năm, vào ngày giỗ vợ chồng cụ giáo và Liệt sỹ Nguyễn Như Trang, bà vẫn đến thắp hương đều đặn.

Năm nay bà Tuyết Tô bước sang tuổi 92, vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Mừng bà trường thọ, gia đình phúc lộc an khang bao nhiêu, tôi càng cảm phục bà bấy nhiêu. Đi qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, người nữ sinh xinh đẹp của Hà thành trở thành cô giáo đã sống thật vẹn tròn, tình nghĩa bền đẹp đến trọn đời.