Mối thù truyền kiếp trên học đường

ANTĐ - Nạn bạo lực do lực lượng “áo trắng” gây ra thường rộ lên vào đầu năm học mới. Trước cổng trường, trên đường phố, các chuyến xe buýt thường xuyên xảy ra những vụ ẩu đả thanh toán giữa các băng nhóm học sinh. Để dẹp nạn bạo lực học đường, Bộ Giáo dục Thái Lan đã đề nghị quân đội mở một chương trình “hướng thiện” cho các học sinh đầu gấu, thủ lĩnh của các băng nhóm học sinh.

Mối thù truyền kiếp trên học đường ảnh 1
Các địch thủ giờ cùng chung “chiến tuyến” trong khóa huấn luyện
7 tháng hơn 1.000 vụ học sinh đánh nhau

Jatupon Ponpaka, 9 tuổi đang chuẩn bị xuống xe buýt cùng người anh trai tại một điểm dừng xe ở phía đông Thủ đô Bangkok. Đột nhiên, khoảng hơn chục học sinh một trường trung học địa phương đuổi theo chiếc buýt và xả súng thẳng vào chiếc xe khi nó tăng tốc. Ngay sau đó, một nhóm học sinh khác đuổi theo ném vỏ chai  bia tới tấp vào một chiếc xe buýt khác vừa rời bến. Trên hai chiếc xe trên chở những học sinh là đối thủ của nhau. 

Trung úy cảnh sát Pradit Taprasitjit, người phụ trách cuộc điều tra vụ ẩu đả trên cho biết, cậu bé Jatupon Ponpaka đã bị trúng đạn vào mặt và cổ nên đã tử vong tại bệnh viện. Jatupon Ponpaka là một nạn nhân vô tội trong cuộc chiến giữa các băng nhóm học sinh. 

Dưới gốc cây me già, một nhóm học sinh đang “khoe” chiến tích. Một đứa chỉ vào vết thương do đạn bắn sượt qua cổ, một học sinh khác lại cúi xuống cho xem hai vết sẹo trên đầu và ở cánh tay sau một cuộc ẩu đả bằng dao cách đây chưa lâu. “Tôi đã bị trúng đạn vào chân và bị đâm vào lưng”- Atsadawut Taluechai, một học sinh 18 tuổi nói. 

“Các cuộc đánh nhau dường như được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác” - Issara  Kummin một học sinh 17 tuổi với những vết sẹo trên đầu và cánh tay nói. Kummin cho rằng mình còn may mắn bởi một người bạn đã bị bắn chết hồi tháng 2 khi vừa xuống xe buýt. 

Trong những chiến dịch truy quét tội phạm học đường gần đây, cảnh sát Thái Lan đã thu giữ nhiều loại vũ khí như súng, mã tấu, dao và thậm chí cả quả nổ tự chế của các băng nhóm học sinh. Cảnh sát Bangkok cho biết, tính từ tháng 1 đến tháng 7-2012, tại Thủ đô có hơn 1.000 vụ học sinh đánh nhau và con số này còn cao hơn gấp nhiều lần trên toàn quốc. 

Để hạn chế những cuộc va chạm, rất nhiều trường trung học và trường dạy nghề ở Thái Lan kiểm tra người học sinh đến lớp. Những trường học trong khu vực đã bố trí giờ tan học lệch giờ nhau, tuy nhiên, những biện pháp này không mang lại hiệu quả. “Một điều luôn phải ghi nhớ là không bao giờ được ngủ gật trên xe buýt bởi điều này quá mạo hiểm, có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Tôi không nhớ nổi những chuyến xe buýt tôi đi đã bị tấn công bao nhiêu lần” - Watcharin Khusuwan, 18 tuổi, học sinh trường công nghệ  Bangkapi kể.

Giải pháp hữu hiệu

Một quan chức trong Bộ Giáo dục cho biết, vào đầu năm học, những học sinh lớp trên gieo vào đầu những học sinh mới lòng hận thù và bảo vệ “truyền thống” của trường. “Chúng tôi được các anh lớp lớn trong trường nói rằng phải yêu quý trường và bảo vệ niềm tự hào của nhà trường bằng cách “chiến đấu” với các học sinh trường đối thủ. Họ cũng khuyên chúng tôi mang theo vũ khí để tự vệ” - một học sinh nói. 

Cuối tháng 7 vừa qua, 105 học sinh “khét tiếng” nhất Bangkok đã được đưa tới một trại huấn luyện quân đội nằm ở phía bắc Thủ đô. Những “kẻ thù không đội trời chung” này sẽ cùng ăn ở với nhau trong vòng 10 tuần. Những học sinh “nguy hiểm” này ngoài việc học chương trình thông thường sẽ tham gia các khóa huấn luyện quân sự cơ bản, không sử dụng vũ khí. Khi tham gia khóa huấn luyện này, các học sinh sẽ buộc phải tuân thủ các mệnh lệnh của huấn luyện viên và chấp hành kỷ luật như trong quân đội. Nguyên tắc bất di bất dịch cho tất cả các học sinh tham gia khóa đào tạo này là: không điện thoại di động, không đeo kính râm, không mang vũ khí theo người. Những “chiến binh” sẽ tập luyện cùng nhau, thậm chí còn nắm tay nhau, cúi chào nhau trong một số hoạt động ngoại khóa. 

“Tôi đã dùng dao đâm vào đầu một học sinh. Đôi khi tôi cũng thấy hối hận về việc mình đã làm. Nhiều học sinh như tôi phải đánh nhau với những học sinh khác để thể hiện đẳng cấp của mình trong trường” - Pond, một học sinh 18 tuổi tham gia trại huấn luyện nói. Pond cho biết, hàng ngày các học sinh phải dậy từ 5 giờ sáng, ăn sáng rồi tập luyện thể lực… Những việc này đã giúp em thay đổi thói quen “vô tội vạ” trong cuộc sống trước đây. “Giờ đây tôi không còn muốn đánh nhau nữa” - Pond nói. 

Các huấn luyện viên hướng dẫn có 10 tuần để xua tan đi sự oán hận giữa các học sinh này, hy vọng thông qua việc xây dựng những nhóm tập luyện chung, những buổi làm việc nhóm, thảo luận chung sẽ thúc đẩy tình bạn nảy sinh sau khi kết thúc khóa huấn luyện. Quả là khó khăn khi những học sinh vốn là đối thủ giờ đây phải cùng chung “chiến tuyến”, tuy nhiên, các huấn luyện viên cho biết những cậu bé này nhanh chóng tìm được điểm tương đồng và hòa nhập cùng nhau. “Khoảng 90% học sinh sau khi tham gia trại huấn luyện này thay đổi hoàn toàn, không đánh nhau nữa. Tuy nhiên, cũng còn 10% vẫn tiếp tục đánh nhau, tham gia các băng nhóm học sinh, nhưng ít ra chương trình này cũng giúp chúng phải thay đổi suy nghĩ” - Trung tá Wanchana Sawasdeem, phát ngôn viên quân đội cho hay.

Đại tá Wijak Kesuda, người phụ trách chương trình nói: “Quân đội Hoàng gia Thái Lan sẽ làm hết sức để giúp Bộ Giáo dục biến những học sinh cá biệt này thành những người hiểu biết,  biết tôn trọng mình, người khác và tôn trọng luật lệ xã hội”.