Mối quan tâm toàn cầu chống lại Covid-19 giúp ngăn chặn đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giáo sư Nick Wilson từ trường Đại học Otago, Wellington, New Zealand cho biết, nghiên cứu của nhóm ông đặt việc tiêu diệt Covid-19 vào phạm vi khả thi về mặt kỹ thuật. Theo đó, sự kết hợp của các chương trình tiêm chủng, các biện pháp y tế công cộng và sự quan tâm của toàn cầu trong việc chống lại căn bệnh này đều góp phần làm cho việc loại trừ dịch bệnh này trở nên khả thi.

Nghiên cứu của Giáo sư Nick Wilson và các nhà khoa học New Zealand đã được đăng tải trên Tạp chí khoa học quốc tế BMJ Global Health (Mỹ), xếp hạng tính khả thi của việc loại bỏ 3 căn bệnh này dựa trên các yếu tố kỹ thuật, chính trị xã hội và kinh tế. Về mặt lý thuyết, khả thi hơn so với việc loại bỏ bệnh bại liệt song chưa thể loại bỏ tối đa như đối với bệnh đậu mùa.

Vaccine an toàn, hiệu quả; tác động của các biện pháp y tế công cộng; công tác kiểm soát nhiễm trùng hiệu quả; mối quan tâm của tất cả các quốc gia về sự lây nhiễm; sự đồng thuần của công chúng đối với các biện pháp kiểm soát lây nhiễm… là những yếu tố quan trọng giúp ngăn chặn đại dịch Covid-19 trên toàn cầu

Vaccine an toàn, hiệu quả; tác động của các biện pháp y tế công cộng; công tác kiểm soát nhiễm trùng hiệu quả; mối quan tâm của tất cả các quốc gia về sự lây nhiễm; sự đồng thuần của công chúng đối với các biện pháp kiểm soát lây nhiễm… là những yếu tố quan trọng giúp ngăn chặn đại dịch Covid-19 trên toàn cầu

Loại bỏ Covid-19 trên phạm vi toàn cầu là hoàn toàn có thể

Bệnh đậu mùa, đã được tuyên bố là đã diệt trừ vào năm 1980, có điểm số trung bình cao nhất về tính khả thi trong việc loại trừ. Nó có điểm trung bình là 2,7 trên thang điểm 3/17 yếu tố. Covid-19 có điểm trung bình là 1,6 và bệnh bại liệt có điểm trung bình là 1,5. “Việc loại bỏ Covid-19 ở cấp quốc gia đã đạt được và duy trì trong thời gian dài ở các khu vực khác nhau của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều này cho thấy rằng việc loại bỏ Covid-19 trên phạm vi toàn cầu là hoàn toàn có thể” - Giáo sư Nick Wilson nhận định.

Khi xếp hạng tính khả thi của việc loại trừ dịch bệnh, các nhà nghiên cứu đã tính đến nhiều yếu tố, bao gồm sự sẵn có của vaccine an toàn và hiệu quả, khả năng miễn dịch suốt đời, tác động của các biện pháp y tế công cộng, công tác kiểm soát nhiễm trùng hiệu quả của các Chính phủ, mối quan tâm chính trị và công chúng về sự lây nhiễm và sự chấp nhận của công chúng đối với các biện pháp kiểm soát lây nhiễm. Đơn cử ví dụ, các chương trình tiêm chủng đóng vai trò quan trọng trong việc xóa sổ toàn cầu bệnh đậu mùa và loại trừ hiệu quả virus bại liệt. Trong khi, một số bệnh khác sắp được xóa sổ mà không cần sử dụng vaccine. Đơn cử, Trung Quốc gần đây đã trở thành quốc gia thứ 40 được chứng nhận không có bệnh sốt rét.

Virus sẽ đạt đến giới hạn khả năng đột biến

Các nhà nghiên cứu New Zealand cho biết, những thách thức trong việc loại trừ Covid-19 bao gồm những vaccine kém chất lượng ở một số quốc gia, sự xuất hiện của các biến thể của virus đại dịch có thể dễ lây truyền hơn hoặc có thể trốn tránh sự bảo vệ khỏi vaccine. Tuy nhiên, Giáo sư Nick Wilson nói rằng, virus này cuối cùng sẽ đạt đến giới hạn khả năng đột biến thành các dạng lây nhiễm hơn, trong khi các loại vaccine mới có thể sẽ được bào chế để đối phó với các chủng đang phát triển của căn bệnh này. Những thách thức khác bao gồm chi phí tiêm chủng cao cho dân số thế giới và chi phí nâng cấp hệ thống y tế, đồng thời đạt được sự hợp tác quốc tế khi đối mặt với các phong trào phản khoa học và chủ nghĩa dân tộc vaccine.

Giáo sư Nick Wilson cho biết, mặc dù virus đại dịch có thể lây nhiễm sang các quần thể động vật hoang dã và động vật chăn nuôi, nhưng đây không phải là thách thức nghiêm trọng đối với việc diệt trừ. “Các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở động vật hoang dã cho đến nay là khá hiếm và khi các động vật đồng hành bị nhiễm bệnh, chúng dường như sẽ không lây nhiễm lại cho con người” - Giáo sư Nick Wilson cho biết.

Nâng cấp hệ thống y tế để ngăn chặn Covid-19 giúp kiểm soát các bệnh khác Giáo sư Michael Baker, khoa Y tế Công cộng của trường Đại học Otago - đồng tác giả nghiên cứu trên cho biết, mối quan tâm toàn cầu về đại dịch là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc diệt trừ dịch bệnh. “Quy mô lớn về tác động sức khỏe, xã hội và kinh tế của Covid-19 ở hầu hết thế giới đã tạo ra mối quan tâm toàn cầu chưa từng có trong việc kiểm soát dịch bệnh và đầu tư lớn vào các chương trình tiêm chủng. Không giống như bệnh đậu mùa và bại liệt, việc kiểm soát Covid-19 được hưởng lợi từ tác động bổ sung của các biện pháp y tế công cộng, chẳng hạn như kiểm soát biên giới, ngăn cách xã hội, truy tìm tiếp xúc và đeo khẩu trang, có thể rất hiệu quả nếu được triển khai tốt” - Giáo sư Michael Baker phân tích - “Việc nâng cấp hệ thống y tế để nhắm mục tiêu Covid-19 còn có thể giúp kiểm soát các bệnh khác và thậm chí có thể hỗ trợ xóa sổ bệnh sởi. Khi tất cả các yếu tố được tính đến, có thể lợi ích của việc tiêu diệt Covid-19 lớn hơn chi phí mà chúng ta phải bỏ ra để diệt trừ dịch bệnh, ngay cả khi việc diệt trừ mất nhiều năm và có nguy cơ thất bại đáng kể”.

Các nhà khoa học khẳng định, việc loại bỏ Covid-19 đã đạt được và duy trì trong thời gian dài ở một số khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc, Australia, New Zealand… đã cung cấp bằng chứng về khái niệm rằng việc xóa sổ dịch bệnh này trên phạm vi toàn cầu, về mặt kỹ thuật, là hoàn toàn có thể.

Bước qua đại dịch bằng cách tự phát triển vaccine

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tại cuộc họp báo ngày 12-8 đã khẳng định có thể ngăn chặn Covid-19 nếu cả thế giới đồng lòng cùng đối mặt giải quyết. Cụ thể, tại một số quốc gia Đông Nam Á, điển hình như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia… đang nỗ lực tìm lời giải cho bài toán tiêm chủng từ chính nội lực của mình, thông qua việc nghiên cứu, tự phát triển vaccine trong nước để tiêm chủng đại trà cho người dân, nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng.

Tại Thái Lan, hiện có 3 loại vaccine được nghiên cứu phát triển là Baiya SARS-CoV Vax 1 do Công ty Baiya Phytopharm bào chế, ChulaCov19 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vaccine của trường Đại học Chulalongkorn sản xuất và NDV-HXP-S do Cơ quan Dược phẩm Chính phủ (GPO) bào chế. Tại Indonesia, quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, vaccine Merah Putih - dự án hợp tác giữa 6 viện nghiên cứu trong nước, trong đó có Viện Sinh học phân tử Eijkman, cùng 2 Công ty Dược phẩm PT Kalbe Farma và PT Biofarma, có thể hoàn tất thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay và bắt đầu sản xuất

Có thể nói, câu chuyện sản xuất vaccine nội địa cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của các nước đang phát triển ở Đông Nam Á trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và tình trạng bất bình đẳng vaccine trên toàn cầu đang khiến khu vực này tụt hậu về tiêm chủng so với nhiều nơi trên thế giới. Giáo sư Paul Tambyah thuộc Hiệp hội châu Á - Thái Bình Dương về vi sinh và lây nhiễm lâm sàng cho rằng, vaccine tự phát triển là câu trả lời đúng đắn cho Đông Nam Á. Theo Giáo sư Paul Tambyah, các nước thu nhập tầm trung ở khu vực hoàn toàn có đủ năng lực để tự phát triển vaccine, nhất là nếu được hỗ trợ cốt yếu như bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19, nguồn quỹ, năng lực sản xuất và nguồn nguyên liệu thô.

Vaccine Covid-19 giờ đây được coi là vũ khí quan trọng hàng đầu trong cuộc chiến chống đại dịch. Những nỗ lực không ngừng nghỉ để nghiên cứu và phát triển vaccine nội địa mà Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á đang thực hiện không chỉ cho thấy quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh mà còn thể hiện sự tự lực, tự cường của các quốc gia trong việc bảo vệ người dân trước đại dịch Covid-19.

“Việc loại bỏ Covid-19 ở cấp quốc gia đã đạt được và duy trì trong thời gian dài ở các khu vực khác nhau của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều này cho thấy rằng việc loại bỏ Covid-19 trên phạm vi toàn cầu là hoàn toàn có thể”.

Giáo sư Nick Wilson (Trường Đại học Otago, Wellington, New Zealand)

“Nếu chấp nhận giả thuyết rằng, thế giới sẽ còn phải tiếp tục chung sống với đại dịch Covid-19 trong dài hạn, các nước tự cung cấp được vaccine đều có thể thu về những lợi ích kinh tế lớn, không quan trọng việc “đi chậm” hay “đi nhanh.” Thế giới vẫn cần hàng tỷ liều vaccine nữa và thêm hàng tỷ liều nữa sau đó, nếu các biến thể mới tiếp tục xuất hiện, nguy hiểm hơn, đe dọa đánh bại những vaccine thế hệ đầu”.

Chuyên gia Jerome Kim (Tổng Giám đốc Viện Vaccine quốc tế đặt trụ sở tại Thủ đô Seoul - Hàn Quốc)

“Bên cạnh những lợi ích kinh tế và y tế, các quốc gia tự sản xuất vaccine còn có thể nâng cao vị thế quốc gia trên bình diện khoa học - kỹ thuật, ngoại giao hay đơn giản như một quốc gia tự lực tự cường”.

Ông Ken Ishii (Giám đốc Trung tâm Sáng chế vaccine quốc tế đặt trụ sở tại Thủ đô Tokyo - Nhật Bản)

“Vaccine tự phát triển là câu trả lời đúng đắn cho Đông Nam Á. Các nước thu nhập tầm trung ở khu vực hoàn toàn có đủ năng lực để tự phát triển vaccine, nhất là nếu được hỗ trợ cốt yếu như bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19, nguồn quỹ, năng lực sản xuất và nguồn nguyên liệu thô”.

Giáo sư Paul Tambyah (Hiệp hội châu Á - Thái Bình Dương về vi sinh và lây nhiễm lâm sàng)