Mới nhất: Thêm hàng loạt trường hợp phải khai báo tạm vắng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng, người chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn hoặc tạm đình chỉ phải khai báo tạm vắng...

Khoản 7 Điều 177 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 đã sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú 2020 về trường hợp công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng khi đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 1 ngày trở lên đối với:

Bị can, bị cáo đang tại ngoại; Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án;

Người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; Người đang chấp hành án phạt quản chế, cải tạo không giam giữ; Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;

Ngoài ra, Luật còn bổ sung thêm đối tượng phải khai báo tạm vắng khi đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 1 ngày trở lên, đó là người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng, người chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành.

Trong khi đó, theo Luật Tư pháp người chưa thành niên, người phải chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng có thể được hoãn chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng khi thuộc một trong các trường hợp sau: Bị bệnh nặng, đang cấp cứu hoặc vì lý do sức khỏe khác mà không thể đi lại được và được bệnh viện xác nhận; Có lý do chính đáng khác được Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người đó cư trú xác nhận.

Trường hợp người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng vì lý do bị bệnh nặng, nếu xét thấy có dấu hiệu phục hồi sức khỏe mà vẫn lấy lý do về sức khỏe để trốn tránh việc chấp hành hoặc người đó có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người đó cư trú có trách nhiệm trưng cầu giám định y khoa hoặc trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Chi phí giám định do cơ quan trưng cầu giám định chi trả.

Khi không còn lý do hoãn hoặc tạm đình chỉ, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng cư trú phải thông báo cho Tòa án đã ra quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ để ra quyết định hủy quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ và đưa người đó vào trường giáo dưỡng.

Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2026.