Mới nhất: Tăng mức phạt tới 75 triệu đồng với hàng loạt vi phạm về an ninh, trật tự?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp đã đề xuất tăng mức xử phạt tối đa trong lĩnh vực ANTT từ 40 triệu đồng lên tới 75 triệu đồng nhằm tăng tính răn đe.

Ngoài an ninh trật tự, an toàn xã hội, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất tăng mức phạt tối đa đối với lĩnh vực cản trở hoạt động tố tụng; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; giao dịch điện tử; bưu chính từ 40 triệu đồng lên 50 triệu đồng. Mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến 30 triệu đồng.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành tại Nghị định 144/2021/CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, Chính phủ quy định phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng đối với các hành vi: chế tạo, trang bị, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao; chiếm đoạt vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao; mang trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo vào, ra khỏi lãnh thổ...

Mức phạt này còn được áp dụng với lợi dụng hoạt động ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện để xâm hại đến an ninh, trật tự; nhận cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo hoặc do người phạm tội mà có nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, hành vi làm giả hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; vận chuyển người nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam trái phép; tổ chức, môi giới, giúp sức, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép cũng chịu mức phạt tối đa 40 triệu đồng.

Ngoài nội dung trên, dư thảo Luật mở rộng thẩm quyền xác minh bằng cách còn sửa đổi Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:

Khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc người có thẩm quyền xử phạt đối với vụ việc có trách nhiệm xác minh các tình tiết: Có hay không có vi phạm hành chính; Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm hành chính; Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; Tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra…

Người có thẩm quyền tự mình hoặc tổ chức, phân công người thực hiện xác minh. Trường hợp phân công người khác thực hiện xác minh, người có thẩm quyền vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả xác minh.

Người được phân công trực tiếp thực hiện xác minh có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, trung thực, khách quan việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm; chịu trách nhiệm trước pháp luật và người giao nhiệm vụ về tính chính xác, khách quan của kết quả xác minh.

Khi thực hiện xác minh, người thực hiện xác minh có thể yêu cầu giám định, kiểm định, kiểm nghiệm, xét nghiệm để phục vụ cho việc xác minh. Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm phải được thể hiện bằng văn bản.

Như vậy, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 theo hướng mở rộng thẩm quyền xác minh.

Theo đó, việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính không chỉ được thực hiện bởi người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mà còn được thực hiện bởi người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.