Mọi người dân Việt Nam trong độ tuổi tiêm chủng an tâm đều được tiêm vaccine Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chúng ta đang khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm thực hiện mục tiêu tiêm khoảng 150 triệu liệu vaccine Covid-19 cho khoảng 70% dân số để đạt tới tỷ lệ miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Mọi người dân trong độ tuổi tiêm chủng an tâm đều sẽ được tiêm chủng để Việt Nam có thể sớm đưa mọi hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.
Hà Nội bắt đầu tiến hành tiêm vaccine Covid-19 diện rộng cho người dân

Hà Nội bắt đầu tiến hành tiêm vaccine Covid-19 diện rộng cho người dân

Triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 diện rộng

Theo Bộ Y tế, tính tới sáng 28-7, trên cả nước ta đã tiêm được tổng cộng hơn 5,1 triệu liều vaccine Covid-19. Trong đó, đã tiêm mũi 1 được 4.562.339 liều và tiêm mũi 2 là 450.836 liều.

Bộ Y tế cho biết, việc tiêm vaccine Covid-19 hiện nay nằm trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống Covid-19 lớn nhất trong lịch sử từ trước tới nay trên toàn quốc với mục tiêu cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, có 70% dân số Việt Nam được tiêm chủng để đạt tới tỷ lệ miễn dịch cộng đồng. Hiện, việc tiêm chủng đang được ưu tiên, khẩn trương tiến hành tại các địa phương có tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhiều ca bệnh.

Việc tiêm vaccine Covid-19 trong giai đoạn đầu tiên khi vaccine chưa về nhiều sẽ tập trung cho 13 nhóm đối tượng ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 21/CĐ-CP. Khi vaccine Covid-19 về nhiều sẽ đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác và tiến hành tiêm đại trà cho tất cả những người trong độ tuổi tiêm chủng vaccine theo nguyên tắc đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vaccine.

Bộ Y tế cho biết, hiện nay có các loại vaccine Covid-19 được bào chế dựa trên nhiều công nghệ như: Vaccine bất hoạt; vaccine sử dụng vector virus; vaccine protein tái tổ hợp; vaccine DNA; vaccine RNA; vaccine vỏ virus. Đến nay, Bộ Y tế cũng đã phê duyệt có điều kiện một số vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các loại vaccine này bao gồm: 1- Covid-19 Vaccine AstraZeneca do hãng AstraZeneca sản xuất; 2 - Gam - Covid-19-Vac (tên khác là Sputnik V) của JSC Generium - Liên Bang Nga; 3 - Vero Cell, Inactivated (tên khác là SARSCoV-2 Vaccine (Vero Cell, Inactivate) của Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd. - Trung Quốc; 4- Comirnaty của Hãng Pfizer; 5- Moderna của Hãng Moderna.

Các loại vaccine Covid-19 trên được tiêm trong chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại nước ta, với sự tham gia của nhiều lực lượng như Y tế, Quân đội, Công an và các bộ, ngành và được tổ chức đồng loạt tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc bao gồm các cơ sở công lập và tư nhân, các đơn vị trong và ngoài ngành Y tế.

Về lịch tiêm chủng, hầu hết các vaccine Covid-19 hiện nay đều tiêm 2 liều (khoảng cách thời gian giữa 2 liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất). Cụ thể: 1- Covid-19 Vaccine AstraZeneca: Mũi 1 cách mũi 2: 8-12 tuần; 2- Gam-Covid-Vac (Sputnik V): Mũi 1 cách mũi 2: 3 tuần; 3- Comirnaty của hãng Pfizer: Mũi 1 cách mũi 2: 3 tuần; 4- SARS-CoV-2 Vaccine (Vero Cell): Mũi 1 cách mũi 2: 3-4 tuần; 5- Moderna: Mũi 1 cách mũi 2: 4 tuần.

Các loại vaccine trên đều tiêm bắp, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine. Phần lớn các vaccine phòng Covid-19 được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C. Bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Bộ Y tế đối với từng loại vaccine. Trong khoảng từ 6-24 tháng, vaccine phải được sử dụng tùy theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Bộ Y tế đối với từng loại.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 14 triệu liều vaccine Covid-19 thông qua các nguồn khác nhau, trong đó có gần 7,5 triệu liều với 4 lô hàng từ Cơ chế COVAX bao gồm hơn 5 triệu liều vaccine Moderna do Chính phủ Mỹ hỗ trợ và hơn 2,49 triệu liều AstraZeneca… Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, nhờ nỗ lực thúc đẩy và ngoại giao vaccine, riêng trong tháng 7 này sẽ có khoảng hơn 12 triệu liều vaccine sẽ được chuyển cho các địa phương đang có dịch; các tỉnh, thành phố là đầu tàu kinh tế; các tỉnh khác để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Chúng ta đang khẩn trương đẩy mạnh “Chiến lược Vaccine” và “Ngoại giao Vaccine” để quyết tâm đạt mục tiêu có đủ 150 triệu liều phục vụ cho Chiến dịch tiêm chủng trên cả nước, cho tất cả mọi người trong độ tuổi tiêm chủng vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Hà Nội bắt đầu tiêm diện rộng cho người dân

Nằm trong chiến dịch tiêm chủng chung của cả nước, từ ngày 28-7, ngành Y tế Hà Nội đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 diện rộng cho người dân. Theo Sở Y tế Hà Nội, đây là chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử tại thành phố, kéo dài trong hơn 9 tháng (từ tháng 7-2021 đến tháng 4-2022). Trong chiến dịch này, hàng trăm nghìn liều vaccine phòng Covid-19 của Moderna, Pfizer, AstraZeneca... sẽ được phân bổ cho 30 quận, huyện, thị xã và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội.

Trong chiến dịch tiêm chủng của thành phố, số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng (từ 18 đến 65) của Hà Nội là trên 5,1 triệu người, đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác. Các đối tượng tiêm được chia thành 10 nhóm theo thứ tự ưu tiên để bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vaccine.

Nhằm thực hiện chiến lược vaccine, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ngày 22-7 đã ký ban hành Phương án triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 trên địa thành phố. Theo đó, thành phố triển khai chiến dịch tiêm chủng trên quy mô lớn nhằm phòng ngừa chủ động, tạo miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất, với mục tiêu trước mắt là triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 với yêu cầu thực hiện tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày.

Thực hiện đồng thời chiến dịch tiêm chủng, TP Hà Nội hiện đã bố trí được 704 dây chuyền tiêm, đang khẩn trương bổ sung thêm 496 dây chuyền tiêm mới để có được 1.200 dây chuyền tiêm, phục vụ cho mục tiêu tiêm 200.000 mũi tiêm/ngày. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu ngành Y tế Hà Nội khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, vật tư y tế, con người để thiết lập đủ 1.200 dây chuyền tiêm thật đồng bộ, đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời xây dựng kịch bản tổ chức tiêm một cách chi tiết, khoa học, bài bản gắn với cơ chế vận hành đồng bộ, thống nhất, thông suốt; triển khai tập huấn, huấn luyện và diễn tập các phương án tiêm chủng.

Theo phương án, kế hoạch của thành phố, trong năm 2021, triển khai chiến dịch ngay sau khi tiếp nhận vaccine phòng Covid-19 đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu. Khi nguồn vaccine chưa đủ sẽ phân bổ số lượng vaccine cho các quận, huyện, thị xã theo thứ tự ưu tiên: Có ca F0 mới, có nhiều khu công nghiệp, có mật độ dân cư cao, có nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều trường học, giáp ranh các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa ngõ giao thông đi lại, có khu cách ly tập trung... Khi có đủ vaccine sẽ triển khai đồng loạt trên toàn thành phố để tiêm cho khoảng 70% số người trong độ tuổi tiêm chủng, đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng tại Hà Nội.