Mỗi người dân Việt Nam có hơn 1 thuê bao di động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), tính đến tháng 5-2021, tổng số thuê bao di động phát sinh trên cả nước phát sinh lưu lượng là 123,32 triệu thuê bao.
Thị trường viễn thông Việt Nam phát triển nhanh so với nhiều nước trên thế giới

Thị trường viễn thông Việt Nam phát triển nhanh so với nhiều nước trên thế giới

Bộ TT-TT cho biết, đến thời điểm hiện tại, thị trường viễn thông Việt Nam có 7 doanh nghiệp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động, trong đó có 5 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ 4G; có 63 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ Internet.

Đáng chú ý, tính đến tháng 5-2021, tổng số thuê bao điện thoại di động phát sinh lưu lượng là 123,32 triệu thuê bao. Với dân số chưa đến 100 triệu người, trung bình mỗi người dân Việt Nam có hơn 1 thuê bao di động.

Tổng số thuê bao băng rộng di động phát sinh lưu lượng là 68,2 triệu thuê bao. Tổng số thuê bao Internet băng rộng cố định là 17,95 triệu thuê bao và tổng băng thông kết nối Internet quốc tế là 11,6 Tbps, tổng băng thông kết nối Internet trong nước là 4,1 Tbps.

Theo Bộ TT-TT, Việt Nam là một trong những nước có thị trường viễn thông, CNTT phát triển nhanh trên thế giới. Hạ tầng viễn thông được mở rộng, hiện đại và phát triển mạnh mẽ, mạng 4G được nâng cấp, 5G được cấp phép thử nghiệm, mạng cáp quang được phủ rộng đến từng hộ gia đình.

Tuy nhiên, để viễn thông phát triển hơn nữa, phục vụ chuyển đổi số quốc gia, trong năm nay, Bộ TT-TT sẽ chỉ đạo xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Viễn thông. Một số mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Luật Viễn thông là nhằm giúp các doanh nghiệp triển khai nhanh chóng, đồng bộ hạ tầng viễn thông (bao gồm cả hạ tầng thụ động) với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác.

Đặc biệt, Luật Viễn thông sửa đổi sẽ xây dựng các quy định để thúc đẩy phát triển các thị trường mới, các thị trường bán buôn, quan hệ giữa các doanh nghiệp nội dung và doanh nghiệp viễn thông phù hợp xu thế và nhu cầu phát triển;

Nghiên cứu bổ sung và phân loại dịch vụ viễn thông phù hợp, thúc đẩy sáng tạo phát triển các dịch vụ mới trên nền tảng 4G/5G, tắt sóng công nghệ cũ; Quản lý chất lượng, giá cước dịch vụ viễn thông, công trình viễn thông theo nguyên tắc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Đồng thời quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ viễn thông.