Mỗi người dân quận Hoàn Kiếm luôn là một đại sứ văn hóa cho Thủ đô

ANTĐ -  Sáng 31-5, quận Hoàn Kiếm đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập quận (31/5/1961 – 31/5/2016). Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tới dự và chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận Hoàn Kiếm anh hùng.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chụp ảnh lưu niệm cùng các thế hệ lãnh đạo quận Hoàn Kiếm qua các thời kỳ

Cùng dự buổi lễ còn có đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành uỷ; lãnh đạo các sở, ngành TP; lãnh đạo các quận, TP kết nghĩa với quận Hoàn Kiếm; các thệ hệ lãnh đạo quận Hoàn Kiếm qua các thời kỳ và đại diện các tầng lớp nhân dân quận Hoàn Kiếm.

Cách đây 55 năm, thực hiện chủ trương xây dựng, mở rộng Thủ đô của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá II, ngày 31-5-1961, Chính phủ ra quyết định về tổ chức hành chính TP Hà Nội gồm 4 khu phố nội thành (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng) và 4 huyện ngoại thành (Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh). Đến năm 1981, thực hiện Hiến pháp mới, bộ máy chính quyền TP được tổ chức thống nhất thành 3 cấp, khu phố Hoàn Kiếm chuyển thành quận Hoàn Kiếm, là cấp trên cơ sở; các tiểu khu đại diện hành chính chuyển thành phường...

Thay mặt lãnh đạo Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Uỷ ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất đến Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tầng lớp nhân dân quận Hoàn Kiếm.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội thăm hỏi các đồng chí lão thành cách mạng

Chủ tịch UBND TP đã cùng ôn lại những trang sử hào hùng của quận Hoàn Kiếm. Hoàn Kiếm là một trong bốn quận nội thành đầu tiên của Thủ đô Hà Nội, một trong những vùng đất trung tâm của kinh thành Thăng Long xưa. Con người nơi đây có truyền thống yêu nước, có bề dày văn hóa, giàu trí sáng tạo, tài hoa, luôn đoàn kết để cùng nhau vượt qua những gian nan, thử thách, luôn chủ động đi đầu trong các phong trào cách mạng.

Người Hoàn Kiếm luôn tự hào về "36 phố phường" nổi tiếng sầm uất từ ngàn xưa - một nét đặc trưng độc đáo trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của Thǎng Long - Hà Nội ngàn nǎm vǎn hiến. Hoàn Kiếm còn nổi tiếng là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử - văn hóa và di tích cách mạng. Đó là đền Bạch Mã – một trong bốn tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa, là trường Đông Kinh Nghĩa Thục số 10 Hàng Đào; số nhà 5D Hàm Long – nơi họp Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Bắc kỳ; số nhà 90 phố Thợ Nhuộm, nơi đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam viết Luận cương chính trị; là phố Hỏa Lò - nơi thực dân Pháp giam giữ nhiều cán bộ trung kiên của Đảng và nhà số 48 Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hoàn Kiếm còn tự hào với những thời khắc lịch sử hào hùng trong 60 ngày đêm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” tại Chợ Đồng Xuân, Rạp Chuông Vàng, Bắc Bộ Phủ... - được ghi vào lịch sử, là tấm gương sáng chói về tinh thần hy sinh vô hạn và ý chí chiến đấu dũng cảm, sáng tạo, thông minh tuyệt vời, mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi lễ

Kế thừa và phát huy truyền thống Liên khu I anh hùng với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giai đoạn 1961 – 1975, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoàn Kiếm đã hăng hái thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu, góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam: vừa lao động sản xuất, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, chăm lo xây dựng đời sống văn hóa, quan tâm phát triển giáo dục, y tế; vừa trực tiếp tham gia chiến đấu cùng quân, dân Thủ đô đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ký kết Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Kết thúc 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước vĩ đại, Hoàn Kiếm đã có 47 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 1.978 Liệt sỹ; 1.016 thương binh và hàng trăm bệnh binh; 67 gia đình có công với cách mạng và 21.440 người tham gia cách mạng. Nhân dân đã tự nguyện đóng góp cho kháng chiến 57.547 chỉ vàng và nhiều tài sản quý giá khác. Đó là niềm tự hào của nhân dân và lực lượng vũ trang quận Hoàn Kiếm.

Chủ tịch UBND TP đánh giá, nhìn lại quá trình 55 năm qua, có thể thấy, dù ở giai đoạn lịch sử nào, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hoàn Kiếm cũng luôn phát huy được truyền thống văn hiến, anh hùng, đoàn kết, đổi mới, năng động, vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương của Thành phố và bám sát tình hình thực tiễn của quận, góp phần cùng Thành phố tổ chức thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ chính trị...

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập quận Hoàn Kiếm

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong nhiệm kỳ 2016-2021, cùng với những cơ hội, chúng ta sẽ phải đối mặt với là nhiều khó khăn, thách thức. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hoàn Kiếm đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ 25 của Đảng bộ quận, Chủ tịch UBND TP mong muốn đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tầng lớp nhân dân quận Hoàn Kiếm phát huy những thành tựu đã đạt được trong 55 năm qua, tiếp tục khai thác có hiệu quả các lợi thế để đẩy mạnh phát triển các dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, du lịch; sẵn sàng đối thoại, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh; hài hòa giữa xây dựng môi trường văn hóa với phát triển kinh tế ở khu phố cổ, qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu các giá trị của khu phố cổ Hà Nội tới người dân, du khách trong nước và bạn bè quốc tế.

Chủ tịch UBND TP cũng gợi ý quận Hoàn Kiếm tiếp thu và áp dụng những kinh nghiệm quản lý đô thị của các quốc gia tiên tiến trên thế giới vào địa bàn quận; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; đảm bảo giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trong mọi tình huống. “Mỗi người dân quận Hoàn Kiếm luôn là một đại sứ văn hóa cho Thủ đô. Để TP Hà Nội luôn là nơi đáng sống, đáng đến với nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh...