“Mồi ngon” cho tội phạm

ANTĐ - Trộm đột nhập là một trong những loại tội phạm thường có dấu hiệu gia tăng vào những tháng cuối năm, theo đánh giá của lực lượng Cảnh sát hình sự. Phân tích kỹ thủ đoạn và mục tiêu chính của loại tội phạm này qua một vài năm gần đây, điều khá bất ngờ là “điểm đến” của nhiều đối tượng trộm cắp chính là trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, từ UBND xã, phường, trường học, bệnh viện, đến trụ sở cơ quan cấp bộ. 

Phương thức của tội phạm đột nhập công sở liều lĩnh, nhưng khá... đơn giản; chỉ cần “qua mặt” được nhân viên bảo vệ, chúng tha hồ vào trong lục lọi, lấy cắp tài sản. Thậm chí có vụ việc, có nơi như trụ sở ủy ban xã, “đạo chích” tiến hành phá két sắt ngay tại phòng tài vụ.

Tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp là trọng tâm công tác thường xuyên được lực lượng công an tiến hành. Riêng địa bàn Hà Nội, mỗi năm có hơn 10.000 lượt nhân viên bảo vệ được tập huấn. Tuần tra thế nào; phòng ngừa - khắc phục nhược điểm tội phạm có thể lợi dụng phạm tội ra sao; rồi bố trí nhân viên bảo vệ những khu vực “nhạy cảm” trong cơ quan, doanh nghiệp... những nguyên tắc tối thiểu ấy đều được trang bị kỹ càng cho đội ngũ nhân viên bảo vệ. Vậy mà tội phạm trộm công sở vẫn có “đất” để hoạt động. Quận Hà Đông mới đây, lực lượng công an triệt xóa ổ nhóm 4 thanh niên đều còn rất trẻ, ngày ngủ, đêm đi tăm tia, đột nhập cơ quan doanh nghiệp lấy cắp tài sản. Cho đến khi bị bắt, nhóm này đã gây ra gần 10 vụ trộm ở các công sở, lấy được tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng. Trước đó, tại quận Long Biên, một siêu thị điện máy có nhân viên bảo vệ bên ngoài, lắp đặt camera giám sát bên trong, vậy mà vẫn bị kẻ gian đột nhập vào theo đường thông gió, lấy đi tài sản trị giá hơn 100 triệu đồng.

Được tập huấn nghiệp vụ, song không phải nơi nào cũng thường trực ý thức phòng gian, cũng có biện pháp chống trộm tốt. Lỗi ấy do chính đội ngũ nhân viên bảo vệ, và cũng do người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp không chú trọng công tác này. Không ít nơi coi việc tập huấn và công tác bảo vệ “gọi là có”. Cũng không ít cơ quan, doanh nghiệp không tập huấn, thậm chí chẳng thuê nhân viên bảo vệ. Hôm nay chưa xảy ra thất thoát tài sản, không có nghĩa cơ quan, doanh nghiệp ấy đã an toàn. Đương nhiên những “khổ chủ” bị trộm đột nhập phải chịu thiệt hại, nhưng ở góc độ khác, những vụ trộm đó còn gây bất ổn đối với ANTT ở mỗi địa bàn. Đừng tự biến mình thành “mồi ngon” cho tội phạm, để làm được điều này, nhất định phải chú trọng công tác phòng ngừa, bắt đầu từ tăng cường chất lượng đội ngũ, biện pháp bảo vệ.