Mỗi ngày đọc một trang sách

ANTĐ - Mấy năm gần đây, ở Hà Nội, TP.HCM đã mở ra những phố sách, ngày hội đọc sách, hội chợ sách... chính là để phục dựng, khơi dậy truyền thống ham mê đọc sách, hiếu học, mở mang kiến thức, hiểu biết “khai trí tiến đức” của cha ông ta.

Những kết quả điều tra, khảo sát được công bố gần đây khiến dư luận xã hội không khỏi giật mình, lo lắng. Tỷ lệ người dành thời gian truy cập internet, các trang mạng xã hội ở Việt Nam thuộc loại đứng đầu châu lục, trong khi tỷ lệ dành thời gian để đọc sách lại ở gần cuối bảng xếp hạng. Đặc biệt, chỉ có khoảng 15-17% số người được hỏi cho biết, trung bình mỗi năm đọc 1-2 cuốn sách, 26-28% có đọc “qua loa”, còn khoảng 12-13% mua sách nhưng không có thời gian đọc. Số còn lại chưa bao giờ đọc sách. 

Trong thời đại bùng nổ thông tin, người dân, nhất là giới trẻ bị cuốn hút vào internet, mạng xã hội, các trang điện tử là điều dễ hiểu. Tuy vậy, ở các nước trong khu vực cũng như trên thế giới người dân vẫn dành thời gian để đọc sách như một nhu cầu tất yếu của cuộc sống, một món ăn tinh thần không gì có thể thay thế.

Ở nhiều nước như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, các cửa hàng sách vẫn đông đúc người mua sách. Hệ thống thư viện công cộng, đặc biệt là thư viện trong các trường đại học thực sự là những trung tâm văn hóa đọc thu hút sinh viên tới thu nạp kiến thức, nâng cao trình độ chuyên sâu. Nhờ vậy, sinh viên có điều kiện nâng cao khả năng tự học, nghiên cứu, tiếp cận kiến thức, khắc phục những điểm yếu của học sinh, sinh viên châu Á. 

Một trong những hình ảnh ấn tượng nhất ở các nước này là trên xe buýt, tàu điện ngầm hoặc ở những nơi công cộng hầu như từ người cao tuổi cho tới thanh niên đều tranh thủ thời gian để đọc sách. Ngay ở Đan Mạch, một quốc gia vừa được thế giới xếp hạng hạnh phúc nhất, thì giới trẻ cũng khẳng định rằng, “vật bất ly thân” của mình chính là cuốn sách.

Họ đọc sách mọi nơi, mọi lúc, ngoài bãi cỏ, trên ghế công viên, bến tàu xe và trên các phương tiện giao thông công cộng. Ở nước Israel, nơi sản sinh nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel nhiều nhất thế giới, sách trở  thành bạn thân của trẻ con ngay từ khi cắp sách tới trường. Ở xứ sở khoa học, công nghệ phát triển vượt bậc này, người dân có một câu thành ngữ: “Nếu hỏa hoạn, sách là tài sản quý giá nhất phải mang theo”.

Nhìn ra thế giới, nhìn sang các nước có mức thu nhập cao hơn Việt Nam hàng chục lần và nhìn lại văn hóa đọc, thói quen ham đọc sách của người dân, nhất là thế hệ trẻ không khỏi lo ngại. Không có sách thì không có tri thức. Dù bất kể một người dân nào, giàu có hay nghèo khó cầm đọc một cuốn sách lúc rảnh rỗi đều khiến chúng ta cảm thấy trân trọng.

Đọc sách làm con người sống tử tế, trung thực, phân biệt điều hay lẽ phải, tốt xấu. Đúng như câu nói: “Sách vừa là bạn, vừa là thầy”. Mong sao mỗi người, mỗi ngày đọc một trang sách thì chắc chắn sẽ bớt đi rất nhiều những thói quen xấu, những tệ nạn xã hội.