Tác giả Ruvislei Gonzalez Saez, Chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế, Cuba

Mỗi ngày có hàng nghìn nhà trí thức trên thế giới lên tiếng bảo vệ Việt Nam

ANTĐ - Tác giả Ruvislei Gonzalez Saez, Chuyên gia nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế, nước Cộng hòa Cuba đã có bài viết về chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông là hung hăng khiến các nước láng giềng phải cảnh giác. Tác giả cũng nhấn mạnh  Trung Quốc dùng chiến dịch tuyên truyền hung hăng nhưng cho dù các loại thông tin có thể tràn ngập thế giới, thì sự thật sẽ luôn được tôn trọng và mỗi ngày có thêm hàng nghìn nhà trí thức, nhà ngoại giao, quân nhân và nhân dân thế giới hiểu và lên tiếng bảo vệ cho quyền lợi của Việt Nam.

Trung Quốc đề nghị giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp hòa bình nhưng lại tiến hành những hành động đi ngược lại với lời nói của chính mình. Điều này gây quan ngại sâu sắc đối với các quốc gia láng giềng và một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á và Mỹ. Mặt khác, ngay từ đầu năm 2014, Trung Quốc cho xây dựng khoảng 4 hòn đảo gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Thông tin của Hãng Bloomberg trích lời các nhà chức trách và ngư dân tại khu vực này cho biết đã nhìn thấy các tàu của Trung Quốc vận chuyển vật liệu xây dựng. Tờ The New York Times viết, các đảo này có diện tích từ 0,08 đến 0,16 km2. Một nhà chức trách phương Tây giấu tên cho tờ The New York Times biết, ít nhất một trong các đảo này sẽ được sử dụng vào mục đích quân sự, các đảo còn lại có thể được sử dụng vào việc cung ứng cho các tàu Trung Quốc.

Trên thực tế, điều mà Trung Quốc làm đối với các quốc gia láng giềng đã gây lo ngại, căng thẳng, bất ổn, không đem lại yếu tố tích cực, đặt các quốc gia láng giềng của nước này trong tình trạng cảnh giác. Do đó, việc phản kháng mà các quốc gia láng giềng tiến hành sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn.

Nếu giành được các đảo, Trung Quốc có thể tìm ra biện pháp tăng cường yêu sách của mình và theo đó có thể nắm quyền kiểm soát trên toàn Biển Đông. Điều này đảm bảo quyền kiểm soát các nguồn lợi từ biển cũng như quyền kiểm soát đối với một trong các tuyến vận tải hàng hải quan trọng nhất của thương mại thế giới. 

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã cho áp dụng một chính sách đối ngoại mang tính gắn kết và thông minh với việc tập trung hỗ trợ các quốc gia kém phát triển. Tuy nhiên, những căng thẳng mà quốc gia này gây ra với Việt Nam là một sai lầm nghiêm trọng, bất chấp các lợi ích có liên quan của Trung Quốc. Sau những tiến triển tích cực đạt được trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2013, điều hợp lý nhất đáng ra cần phải làm là đàm phán để cùng nhau triển khai các hoạt động nghiên cứu và thăm dò dầu khí hoặc phía Trung Quốc thông báo trước cho phía Việt Nam về hoạt động của mình. Hành động vừa qua cho Đông Nam Á thấy rằng, không thể quên đi lịch sử và các nước luôn phải cảnh giác.

Tiêu cực hơn chính là cách cư xử của Trung Quốc bằng việc phát động một chiến dịch tuyên truyền hung hăng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là Tân Hoa Xã, nhằm tấn công Việt Nam. Lập trường của Trung Quốc cần mang tính xây dựng, có suy nghĩ và được cân nhắc kỹ. Cho dù các loại thông tin có thể tràn ngập thế giới, nhưng sự thật sẽ luôn được tôn trọng và mỗi ngày có thêm hàng nghìn nhà trí thức, nhà ngoại giao, quân nhân và nhân dân thế giới hiểu, lên tiếng bảo vệ cho quyền lợi của Việt Nam. Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 ngày 2-5 vừa qua trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một hành động sai lầm của Trung Quốc. Tuy nhiên, rõ ràng đây là một chiến lược của Trung Quốc nhằm đạt được các mục tiêu ở tầm trung hạn của mình. Đó không còn là vấn đề của Việt Nam hoặc của Đông Nam Á mà là điều cả thế giới phải quan tâm lên tiếng, bởi lẽ nó đã vượt quá phạm vi của sự ổn định khu vực. Về mặt kinh tế, vấn đề này có tác động mang tính toàn cầu và từ góc độ chính trị, đây là một ví dụ về cách thức cư xử của Trung Quốc để đạt được lợi ích của mình. 

Nghị sĩ Meir Sheetrit, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Israel-Việt Nam: Trung Quốc không bao giờ quan tâm đến lợi ích của người khác

Vừa qua, Đại sứ Việt Nam tại Israel Tạ Duy Chính đã gặp Nghị sĩ Meir Sheetrit, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Israel-Việt Nam thông báo về tình hình Biển Đông và trao các tài liệu của Việt Nam về vấn đề này. Đại sứ đã điểm lại toàn bộ diễn biến vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhấn mạnh tính chất ngang ngược, nguy hiểm của các hành động của Trung Quốc; nêu rõ lập trường của Việt Nam cũng như những căn cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, bác bỏ những luận điệu sai trái và đòi hỏi vô lý của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa; điểm lại toàn bộ các hoạt động của Trung Quốc từng bước xâm chiếm biển đảo ở Biển Đông từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay; đề nghị Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Israel-Việt Nam lên tiếng phê phán hành động sai trái của Trung Quốc và ủng hộ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam. Nghị sĩ Meir Sheetrit nói: Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế; Trung Quốc là một nước lớn, có sức mạnh và Trung Quốc không bao giờ quan tâm đến lợi ích của người khác; Việt Nam là một nước nhỏ, nên đấu tranh mạnh thông qua các diễn đàn quốc tế, như đưa vấn đề ra Liên hiệp quốc, đặc biệt là đưa ra Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Tòa án La Haye sẽ có lợi cho Việt Nam”. Là một thành viên của Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng, ông sẽ đưa vấn đề ra trao đổi tại Ủy ban và nếu Ủy ban có sự đồng thuận ông sẽ gặp Đại sứ quán Trung Quốc để nêu ý kiến.

Các Đại sứ ASEAN tại Mexico lo ngại về tình hình Biển Đông 

Ngày 7-7, tại cuộc họp bàn giao chức Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại thành phố Mexico, Đại sứ Việt Nam Lê Thanh Tùng đã thông báo cho Đại sứ các nước ASEAN về tình hình Biển Đông gần đây, đặc biệt từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam… Đại sứ Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt các nước ASEAN lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. 

Đại sứ các nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan) đã bày tỏ lo ngại về các hành động của Trung Quốc đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực; hoàn toàn ủng hộ tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Nai-pi-to, Myanmar ngày10-5 về tình hình Biển Đông, cũng như 6 nguyên tắc quan điểm của ASEAN về Biển Đông. Đại sứ Philippines phát biểu ý kiến cực lực phản đối bản đồ mới xuất bản gần đây của Trung Quốc gồm 10 đoạn bao trùm toàn bộ Biển Đông.

Cộng đồng người Việt tại Angola gửi 58.000 USD tặng Cảnh sát Biển và Kiểm ngư Việt Nam 

Trước hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc tại Biển Đông, Ban chấp hành Hội người Việt tại Angola vừa tổ chức mít tinh quần chúng phản đối những hành động vi phạm luật pháp quốc tế của phía Trung Quốc, bày tỏ đồng tình với cách xử lý của lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam và quyết tâm đoàn kết, chung sức cùng quân và dân cả nước bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đại sứ quán và Ban chấp hành Hội đã phát động cuộc vận động “Chung tay bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông”, tổ chức quyên góp trong cộng đồng được 58.000 USD để gửi về nước tặng lực lượng Cảnh sát Biển và lực lượng Kiêm ngư Việt Nam. Ngoài ra, cộng đồng người Việt tại Angola còn gửi thư động viên tới 2 lực lượng này.

Biểu tình phản đối Trung Quốc tại New Zealand 

Ngày 7-7, tại Thủ đô Wellington của New Zealand, hơn 70 người thuộc cộng đồng người Việt Nam sinh sống và học tập tại New Zealand đã tổ chức biểu tình, giương cờ Việt Nam và các biểu ngữ đòi Trung Quốc rút khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế... Đây là lần thứ hai cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand tổ chức biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (lần đầu vào ngày 18-5-2014 tại thành phố Auckland).