Mỗi năm Hà Nội cần đầu tư 2 tỷ USD cho giao thông

Hơn 23 tỷ USD là số tiền dự kiến phải đầu tư cho giao thông của Thủ đô từ nay đến năm 2020. Đó là thông tin được Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội báo cáo Thường vụ Thành uỷ tại cuộc họp sáng 9-5. Tuy nhiên, giải pháp nào để có được nguồn vốn khổng lồ này vẫn đang là một bài toán nan giải.

Giai đoạn từ nay đến năm 2020

Mỗi năm Hà Nội cần đầu tư 2 tỷ USD cho giao thông

Hơn 23 tỷ USD là số tiền dự kiến phải đầu tư cho giao thông của Thủ đô từ nay đến năm 2020. Đó là thông tin được Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội báo cáo Thường vụ Thành uỷ tại cuộc họp sáng 9-5. Tuy nhiên, giải pháp nào để có được nguồn vốn khổng lồ này vẫn đang là một bài toán nan giải.

Xây dựng hệ thống vận tải liên phương thức

Theo ông Tô Anh Tuấn – Giám đốc Sở QHKT Hà Nội, phương án vận tải liên phương thức sẽ là nguyên tắc phát triển hệ thống giao thông của Hà Nội trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, bao gồm cả đường sắt, đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không. “Vấn đề là phải tạo được sức hấp dẫn và sự cạnh tranh để người dân sẵn sàng chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng” – Ông Tuấn nói.

Thu hút dân cư ra vành đai TP là giải pháp hữu hiệu để giám áp lực giao thông trong nội đô
Thu hút dân cư ra vành đai TP là giải pháp hữu hiệu để giám áp lực giao thông trong nội đô

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, các đường cao tốc song hành với các quốc lộ có lưu lượng giao thông lớn sẽ được hình thành, bao gồm đường Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Thanh Hoá, Hà Nội – Lào Cai, Láng – Hoà Lạc... 244km đường cũng sẽ được xây dựng mới, tập trung vào các đường vành đai 2, 3, 4 và vành đai liên kết các đô thị vệ tinh (Vĩnh Yên – Sơn Tây – Hoà Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Đồng Văn – Hưng Yên – Hải Dương – Chí Linh – Bắc Giang – Sông Công). Mạng lưới đường sắt quốc gia hiện có (trong đó đoạn đường sắt xuyên tâm Ngọc Hồi – Yên Viên sử dụng kết hợp đường sắt đô thị) sẽ được cải tạo cơ bản. Sau năm 2010, dự kiến sẽ xây dựng các tuyến đường sắt kế cận liên kết Hà Nội với các thành phố trong vùng bán kính 50 – 70km, đồng thời xây dựng đường sắt vành đai phía Đông Ngọc Hồi – Cổ Bi – Đông Anh (vòng tránh khu di tích Cổ Loa).

Ông Tô Anh Tuấn cho biết, so với quy hoạch phát triển giao thông Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt năm 1998, những nghiên cứu mới nhất của Chương trình phát triển đô thị tổng thể Hà Nội (HAIDEP) đã cho thấy có sự khác biệt trong tính toán. Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là sẽ tăng diện tích đường giao thông của Hà Nội từ 6km2 như hiện nay lên 22km2. Tổng độ dài đường giao thông xây dựng mới sẽ lên tới khoảng 500km, với phương thức tổ chức tách biệt giao thông đô thị và giao thông liên tỉnh, và mọi giao thông liên tỉnh sẽ dừng lại ở vành đai 4 chứ không phải vành đai 3 như dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý rằng, mặc dù phải đầu tư nguồn vốn cực lớn cho cơ sở hạ tầng giao thông, nhưng vấn đề không kém phần quan trọng là cần thiết lập hệ thống quản lý giao thông cho hiệu quả. “Tôi cho rằng, vấn đề ùn tắc giao thông có nguyên nhân do quản lý chiếm không dưới 50%” – Ông Tuấn nhận xét.

Không thể áp dụng một chính sách cho tất cả các địa phương

Cho dù có đầu tư những khoản tiền khổng lồ để xây dựng hạ tầng giao thông, trong khi cứ để phát triển xe máy, xe ô tô con không có cách gì kiểm soát như hiện nay thì vẫn không thể giải quyết được bài toán giao thông của Hà Nội. Đó là ý kiến được nhiều đại biểu đồng tình. Ông Vũ Hồng Khanh – Bí thư Quận uỷ Cầu Giấy nhận xét: “Chúng ta đang làm rất đúng là tăng giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân. Nhưng nếu cứ chỉ vận động không thôi thì không giải quyết được gì cả. Vấn đề là phải có chế tài quy định”. Ông Vũ Hồng Khanh cũng cho rằng, nhiều vấn đề giao thông của Thủ đô phải do Chính phủ giải quyết. “Mật độ xây dựng trong nội đô của chúng ta đang rất đáng báo động. Khá nhiều cơ quan Trung ương, các bệnh viện, trường học vẫn nằm ở trung tâm thành phố, khiến lưu lượng giao thông trong nội đô không có cách gì giảm xuống được mà chỉ tăng lên. Và nếu cứ như vậy, hạ tầng giao thông không thể đáp ứng nổi lưu lượng giao thông” – Ông Khanh nói.

Đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho rằng, có những chính sách nếu áp dụng cho toàn bộ 64 tỉnh, thành phố thì sẽ bộc lộ những bất hợp lý, vì điều kiện đặc thù của Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh không thể tương đương với các tỉnh như Sơn La, Lai Châu. Theo đồng chí Bí thư Thành uỷ, cần đặt ra 2 giải pháp lớn cho bài toán giao thông của Hà Nội là giả pháp kỹ thuật và giải pháp xã hội. Đối với giải pháp kỹ thuật, cần xác định rõ nguồn vốn đầu tư từ đâu, sử dụng theo phương thức nào, các loại hình phương tiện giao thông cụ thể là gì.... Đối với giải pháp xã hội, cần xây dựng pháp luật, tăng cường giáo dục, đồng thời với việc tính toán những chế tài hợp lý để hạn chế phương tiện cá nhân và xử phạt những hành vi vi phạm Luật giao thông. “Cần gắn quy hoạch giao thông với quy hoạch tổng thể phát triển KTXH của Thủ đô, từ đó lựa chọn những phương án, giải pháp mang tính ưu tiên, đặc biệt là khả năng về nguồn vốn và cơ chế thực hiện” – Đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.

Phương Anh