Mỗi năm, có gần 4.000 phụ nữ nhiễm HIV mang thai

ANTD.VN - Đến cuối năm 2018, tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con tại Việt Nam đã giảm xuống còn 1,93%.

Mỗi năm, có gần 4.000 phụ nữ nhiễm HIV mang thai ảnh 1Bác sĩ tư vấn cho một phụ nữ mang thai cách dự phòng lây truyền HIV sang con

Trong tháng 6-2019 vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai “Tháng chiến dịch truyền thông cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” với hàng loạt hoạt động như: treo 200 banner thông điệp truyền thông trên các trục đường chính; truyền thông về chủ đề K=K (không phát hiện = không lây truyền); cấp phát 584.202 chiếc bơm kim tiêm cho 7.425 người tiêm chích ma túy, cấp phát 279.564 bao cao su cho 821 phụ nữ mại dâm và 1.724 người nam có quan hệ tình dục đồng giới...

Theo Ủy ban Quốc gia về Phòng, chống AIDS và Phòng, chống ma túy, mại dâm, từ khi triển khai “Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” (tháng 6 hàng năm, bắt đầu từ 2009) đến nay, tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con đã giảm mạnh. Cụ thể, năm 2010 là 10,8%; 5 năm sau (2015) tỷ lệ này giảm còn 2,8% và đến cuối năm 2018 chỉ còn 1,93%, đạt tiêu chuẩn loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Thông tin từ Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em (Bộ Y tế) cũng cho biết, mỗi năm Việt Nam có gần 2 triệu phụ nữ mang thai, trong đó tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai chiếm 0,19% (tương đương với hơn 3.800 trường hợp) và số trẻ sinh ra nhiễm HIV từ các bà mẹ nhiễm HIV mỗi năm vào khoảng 1.140 - 1.520 trẻ (chiếm 30% - 40%).

Để duy trì và giảm hơn nữa tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ, Bộ Y tế đề nghị cần tiếp tục truyền thông về lợi ích, hiệu quả của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tăng cường tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; tăng cường điều trị dự phòng bằng ARV hiệu quả, quản lý tốt cặp mẹ con nhiễm HIV từ khi người mẹ được phát hiện; theo dõi tải lượng HIV thường quy cho phụ nữ mang thai; chăm sóc, điều trị dự phòng bằng ARV cho tất cả trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV…

Người có kết quả xét nghiệm HIV dương tính được thông báo thế nào?

Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm, trình tự thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính. Theo dự thảo thông tư này, chậm nhất 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính, người bệnh phải được thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình, trừ các trường hợp: Chưa đến thời điểm hẹn nhưng người được xét nghiệm đến nhận kết quả xét nghiệm; Người được xét nghiệm không đến nhận kết quả xét nghiệm.

Dự thảo thông tư cũng quy định, chỉ được thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính khi kết quả này được khẳng định bởi phòng xét nghiệm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định các trường hợp HIV dương tính.