Mối lo từ "sắc xanh hy vọng"

ANTĐ - Thị trường tài chính toàn cầu đã phản ứng tích cực trước quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi lần đầu tiên trong 10 năm qua nâng lãi suất cơ bản lên thêm 0,25%.

Mối lo từ "sắc xanh hy vọng" ảnh 1Thị trường chứng khoán New York đã phản ứng tích cực
trước quyết định tăng lãi suất cơ bản của FED

Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED - Ngân hàng Trung ương của nước Mỹ) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25%. Đây là lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ qua, FED mới quyết định nâng lãi suất cơ bản, một nhân tố được cho là không chỉ ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế Mỹ mà còn cả kinh tế toàn cầu.

Việc FED đã phải cân nhắc rất nhiều lần mới nâng lãi suất cơ bản cho thấy sự phục hồi khá chắc chắn của nền kinh tế Mỹ sau khi nước này lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính trong giai đoạn 2007-2008. Cuộc khủng hoảng được cho là tồi tệ nhất sau cuộc “Đại suy thoái” đã khiến nước Mỹ phải “bơm” tới 1.000 tỷ USD nhằm kích thích sự hồi phục của nền kinh tế trong gần 10 năm qua.

Cuộc khủng tài chính - kinh tế Mỹ gần 10 năm trước đã tạo ra phản ứng dây chuyền, đẩy kinh tế thế giới vào đợt suy thoái nặng nề. Do vậy, không ngạc nhiên khi thị trường tài chính toàn cầu đã phản ứng tích cực trước quyết định tăng lãi suất của FED – như một sự khẳng định về việc kinh tế Mỹ hồi phục vững chắc sau khủng hoảng - với “sắc xanh hy vọng” tràn ngập các thị trường chứng khoán thế giới trong phiên giao dịch muộn ngày 16-12, tức rạng sáng 17-12 theo giờ Việt Nam. 

Tại Mỹ, vào lúc đóng cửa, cả 3 chỉ số chủ chốt của Phố Wall đều đồng loạt tăng điểm mạnh, trong đó Dow Jones tăng 224,18 điểm (1,28%), S&P 500 tăng 29,66 điểm (1,45%) và Nasdaq tăng 75,78 điểm (1,52%). Khiêm tốn hơn nhưng chứng khoán châu Âu cũng xanh sàn tại cả 3 thị trường chủ chốt của khu vực, trong đó FTSE 100 của Anh tăng 0,7%, DAX của Đức và CAC 40 của Pháp cùng tăng 0,2%. 

Tuy nhiên, ngoài chỉ dấu về sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ, việc FED tăng lãi suất cơ bản cũng ẩn chứa những hệ lụy khó lường với nền kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế mới nổi ở châu Á. Bên cạnh đánh giá việc FED tăng lãi suất là tín hiệu tốt đối với kinh tế Canada, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng thừa nhận thách thức mất giá đối  với đồng đô la Canada (CAD), vốn đã xuống mức thấp nhất trong 11 năm trở lại đây. Và như vậy, người tiêu dùng và doanh nghiệp nước này sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các mặt hàng nhập khẩu “đội giá” theo USD. 

Theo các chuyên gia, việc Mỹ tăng lãi suất cơ bản có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi (trong đó có Việt Nam). Lãi suất đồng USD cao hơn có thể khuyến khích dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường này do giới đầu tư quay trở lại thị trường Mỹ với hy vọng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Hệ quả là nhiều nền kinh tế sẽ phải tăng lãi suất để “đua” với đồng USD. Hồng Kông (Trung Quốc), ngay trong ngày 17-12, đã quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 0,5% lên 0,75%. Các nước vay nợ để đầu tư phát triển, đặc biệt là các nước châu Á đã tích lũy khối nợ khổng lồ thời gian dài vừa qua, có thể phải trả nhiều hơn cho những khoản nợ vay bằng USD.

Vì thế, bên trong sắc xanh bao phủ thị trường tài chính toàn cầu cũng có những “màu đỏ” đáng lo ngại sau quyết định tăng lãi suất cơ bản của Mỹ.