Mối lo từ hàng xóm

ANTĐ - Không phải vấn đề nội bộ mà tương lai của nước láng giềng Afghanistan mới là mối quan tâm lớn nhất của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO).

Taliban và thuốc phiện là mối đe dọa chính với các nước thành viên CSTO

Theo thư ký của Điện Kremlin Y. Ushakov, tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức vừa diễn ra ngày 27-5 tại Thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, vấn đề được quan tâm nhất với lãnh đạo các nước thành viên CSTO là tương lai của Afghanistan sau khi Lực lượng trợ giúp an ninh quốc tế do Mỹ đứng đầu rút khỏi đây vào năm 2014. 

Là một liên minh quốc tế gồm 6 nước thành viên gồm   Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan, kể từ khi ra đời ngày 15-5-1992 đến nay (lúc đầu còn có thêm Uzbekistan), CSTO khẳng định mục tiêu của mình là huy động nỗ lực về quân sự và các lực lượng yểm hộ để bảo vệ không gian kinh tế cùng lãnh thổ của các nước thành viên Hiệp ước trước bất kỳ sự tấn công quân sự hay chính trị từ bên ngoài, trước chủ nghĩa khủng bố quốc tế và các thảm họa lớn về thiên nhiên. 

Chính vì thế mà không có gì ngạc nhiên khi Afghanistan được quan tâm đến vậy tại Hội nghị thượng đỉnh Bishkek lần này. Cả thập kỷ nay, dù đã gắng hết sức, Mỹ và các nước phương Tây vẫn không bình ổn được tình hình. Bất chấp sự hiện diện của 63 nghìn lính Mỹ và khoản chi để trang trải cho cuộc chiến ở Afghanistan trong năm 2013 đã lên tới 87,2 tỷ USD, ấy vậy mà mới ngày 24-5, các tay súng Taliban vẫn ngang nhiên chiếm giữ nhiều vị trí trong một tòa nhà ngay giữa Thủ đô Kabul của Afghanistan. 

Điều gì sẽ xảy ra khi Lực lượng trợ giúp an ninh quốc tế rút khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014? Tướng Z. Azimi, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Afghanistan, thừa nhận Phong trào Hồi giáo Taliban đang lên kế hoạch lật đổ chính quyền Kabul vào năm 2014. Theo các nguồn thông tin, hàng nghìn chiến binh Taliban đã được đào tạo tại các trường tôn giáo ở Pakistan và hiện có mặt trên lãnh thổ Afghanistan để chuẩn bị cho cuộc lật đổ này.

Nếu điều này xảy ra, biên giới phía Nam của CSTO sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Tại hội nghị an ninh quốc tế tổ chức ở Matxcơva, Trung tướng Sergun, Giám đốc Cơ quan Tình báo quân sự Nga (GRU) cảnh báo: “Một mạng lưới khủng bố đa dạng, bao gồm các trại huấn luyện đánh bom tự sát, đã được thành lập ở Afghanistan và  Taliban liên kết chặt chẽ với các tổ chức khủng bố nước ngoài trong việc đưa các chiến binh có nhiều kinh nghiệm chiến đấu ở Afghanistan đến các điểm nóng khác trên thế giới”. Một khu vực bất ổn sẽ xuất hiện trong vùng biên giới với Afghanistan và ảnh hưởng của các nhóm cực đoan cũng như tư tưởng Hồi giáo chính thống sẽ gia tăng.

Đi liền với mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan là nạn buôn lậu ma túy từ Afghanistan, điều mà Nga gọi là “vũ khí giết người hàng loạt”. Afghanistan hiện là nơi sản xuất đến 90% tổng sản lượng chất gây nghiện của toàn thế giới. Theo thống kê của Nga, từ đầu năm đến nay, Nga đã thu giữ gần 5,5 tấn ma túy các loại được sản xuất tại Afghanistan. Tình hình nghiêm trọng đến mức ông V. Ivanov, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát ma túy Liên bang Nga khẳng định việc gia tăng diện tích canh tác cây thuốc phiện thời gian qua ở Afghanistan là yếu tố đe dọa ổn định ở lục địa Âu-Á và trên toàn thế giới.

Không tính trước với người láng giềng Afghanistan, CSTO chắc chắn sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức.