Mối lo mạng xã hội "tiếp tay" cho khủng bố lan rộng

ANTD.VN - Vụ thảm sát đẫm máu ở New Zealand không chỉ khiến cả thế giới bàng hoàng, chấn động mà còn làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc về việc mạng xã hội trở thành công cụ “tiếp tay” cho khủng bố.

Mối lo mạng xã hội "tiếp tay" cho khủng bố lan rộng ảnh 1Các trang mạng xã hội lớn nhất thế giới bị cáo buộc đã “tiếp tay” lan truyền những hình ảnh về vụ thảm sát đẫm máu ở New Zealand đi khắp thế giới

Đất nước New Zealand vốn thanh bình đã bàng hoàng, chấn động tới mức không thể tin nổi về vụ tấn công khủng bố đẫm máu ngày 15-3 tước đi sinh mạng của 49 người dân vô tội, trong đó có cả những trẻ em, phụ nữ và người già. Tội ác tày trời như càng nhân thêm gấp bội khi chúng được kẻ thủ ác livestream (phát trực tiếp) lên mạng xã hội Facebook có hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới trong suốt 17 phút đồng hồ.

Cho dù các trang mạng xã hội lớn nhất thế giới như Facebook, YouTube, Twitter, Instagram… đã phải gỡ bỏ hàng triệu video clip vụ xả súng trong 24 giờ, riêng Facebook gỡ tới 1,5 triệu video, song công việc “xử lý hậu quả” bị đánh giá là chậm chạp và quá đủ thời gian để cho những hình ảnh tội ác lan truyền khắp toàn cầu. Việc các trang mạng xã hội có hàng tỷ người dùng hành động sau khi “sự đã rồi” đã khiến cho tội ác “trời không dung, đất không tha” được phát tán khi khắp thế giới, kèm theo đó là những thông điệp sặc mùi kỳ thị tôn giáo, sắc tộc của kẻ cực đoan.

Chỉ một ngày trước vụ thảm sát chấn động toàn thế giới, nghi phạm Bernton Tarrant cũng đã chia sẻ đường dẫn đoạn video để những người theo dõi hắn trên mạng có thể xem được vụ thảm sát trên mạng xã hội cũng như những hình ảnh về vũ khí và đạn dược trước khi hành động sát hại hàng loạt người vô tội. Mục đích của hành động này là nhằm thu hút sự chú ý của càng nhiều người càng tốt cho hành động cùng cực hung ác của hắn.

Chính vì thế, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã phải thốt lên rằng, ngày 15-3 là “một trong những ngày đen tối nhất của New Zealand”. Bà cũng cảnh báo, nhân loại lại một lần nữa đau đầu vì những kẻ cực đoan giờ đây đã hiểu rằng chúng hoàn toàn có thể “truyền hình trực tiếp” tội ác cho toàn thế giới theo thời gian thực và mạng xã hội sẽ thay chúng làm nốt việc lan truyền nỗi kinh hoàng tới mọi ngõ ngách trên thế giới.

Việc nghi phạm “truyền hình trực tiếp” cảnh thảm sát đẫm máu ở New Zealand một lần nữa minh chứng cho những cảnh báo về khả năng những kẻ khủng bố, cực đoan dùng mạng xã hội làm công cụ để “tiếp tay” cho chúng gieo rắc nỗi sợ hãi và ám ảnh đi khắp thế giới. Đồng thời, các đối tượng cũng có thể dùng mạng xã hội để truyền bá, kích động sự hận thù, hành động khủng bố và cực đoan. 

Trước đó, đã diễn ra không ít trường hợp những kẻ khủng bố sử dụng mạng xã hội để phục vụ cho các âm mưu tấn công như năm 2013, nhóm khủng bố Al-Shabaab dùng Twitter để phát trực tiếp hình ảnh vụ tấn công trung tâm mua sắm Westgate ở Thủ đô Nairobi của Kenya. Vào tháng 1-2015, một kẻ khủng bố bắn 4 người tại một khu chợ ở phía Đông Paris nước Pháp đã quay cuộc tấn công bằng một máy GoPro và cố gắng gửi video này vào email trước khi hắn bị cảnh sát tiêu diệt. 

Không phải các trang mạng xã hội lớn nhất toàn cầu không ý thức được việc họ có thể trở thành công cụ “tiếp tay” cho khủng bố. Trên thực tế, các mạng xã hội lớn như YouTube, Twitter, Instagram… đều có một đội ngũ hùng hậu để sàng lọc thông tin mà người dùng đưa lên nhằm sẵn sàng cho những tình huống khẩn cấp và phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật để phục vụ công tác điều tra khi được yêu cầu. Tuy nhiên, với tính chất gần như “mở” hoàn toàn nên bất kỳ thông tin hay hình ảnh nào một khi đã được tung lên mạng xã hội là có thể lan truyền một cách vô cùng nhanh chóng và dễ dàng, trong khi ngăn chặn và gỡ bỏ hoàn toàn là điều gần như bất khả thi.

Rõ ràng, vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở New Zealand đã làm dấy lên mối lo ngại “kép”, đó là nỗi ám ảnh khủng bố trỗi dậy mà mạng xã hội “tiếp tay” khủng bố, cực đoan.