Hàng nghìn cây xăng trên khắp nước Anh phải đóng cửa hồi cuối tháng 9 vừa qua do khan hiếm nguồn cung ứng |
Thiếu hụt nguồn cung gây ra biến động giá nhiên liệu
Tại Tuần lễ Dầu mỏ châu Phi đang diễn ra tại thành phố Cape Town của Nam Phi, Chủ tịch nhóm Quỹ Năng lượng Trung ương (CEF) Ayanda Noah cảnh báo, Nam Phi có thể phải đối mặt với một “cuộc khủng hoảng sắp xảy ra” khi nhu cầu nhiên liệu dự kiến sẽ tiếp tục tăng và công suất lọc dầu của nước này vẫn bị hạn chế nghiêm trọng. Nam Phi hiện chỉ còn 3 trong số 6 nhà máy lọc dầu hoạt động và cũng chỉ đạt khoảng 35% công suất thiết kế của các nhà máy lọc dầu hiện có sẵn. Công suất các nhà máy lọc dầu suy giảm và buộc phải đóng cửa kể từ năm 2020 đã dẫn đến sản lượng trong nước giảm và nhập khẩu kỷ lục do nhu cầu nhiên liệu dự kiến sẽ tăng. Theo Chủ tịch CEF, đến năm 2025, Nam Phi sẽ cần nhập khẩu tới 53% sản phẩm nhiên liệu tinh chế.
Nước Anh vào cuối tháng 9 vừa qua cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng nhiêu liệu khi phần lớn trong số 8.000 trạm xăng dầu của Anh cạn kiệt nhiên liệu và điều này dự báo còn diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn. Hiệp hội Y khoa Anh và các công ty vận tải của nước này đã phải lên tiếng cảnh báo, cuộc khủng hoảng nhiên liệu chưa từng có tại nước này có thể làm gián đoạn nghiêm trọng các dịch vụ thiết yếu và ngành công nghiệp, theo đó đề xuất bộ phận y tế và các công ty vận tải được ưu tiên cung cấp xăng và dầu diesel.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Chuyển phát nhanh và Gửi hàng quốc gia David Brown cho biết, các công ty chuyển phát đã phải từ chối nhận thêm đơn hàng vận chuyển và yêu cầu nhân viên ở nhà do không đảm bảo được nguồn cung cấp nhiên liệu. Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ xăng dầu Anh Brian Madderson, các thành viên trong hiệp hội đã báo cáo từ 50-90% các địa điểm độc lập không có nhiên liệu trong khi những địa điểm đã được cung cấp thì nhanh chóng rơi vào tình trạng xe ùn ứ, xếp hàng dài để chờ đổ nhiên liệu. Các thành phố và các khu vực đông dân cư khác ở Anh là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tình trạng khan hiếm nhiên liệu còn xảy ra ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Cuộc khủng hoảng năng lượng nói chung, nhiên liệu đầu vào thiết yếu nói riêng, xảy ra ngay sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát cuối tháng 2-2022. Từ đó tới nay, dù các quốc gia nỗ lực đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ cuộc xung đột này lên thị trường nhiên liệu toàn cầu song không thể cải thiện cơ bản bởi khi nguồn cung được cải thiện thì những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lại tiến hành cắt giảm sản lượng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây cảnh báo, thị trường dầu mỏ có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung mạnh nhất trong hơn một thập kỷ vào cuối năm nay. Tình trạng thiếu hụt dầu mỏ nghiêm trọng này là do việc cắt giảm sản lượng dầu kéo dài của các nhà sản xuất lớn Arabia Saudi và Nga. IEA nhận định, sự thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ đáng kể có thể gây ra biến động giá dầu trên thị trường trong bối cảnh tồn kho toàn cầu không đủ. Cơ quan này này cũng dự báo, thị trường dầu mỏ sẽ phải đối mặt với tình trạng thâm hụt 1,2 triệu thùng/ngày (bpd) trong nửa cuối năm nay sau khi Arabia Saudi và Nga công bố kế hoạch gia hạn xuất khẩu và cắt giảm sản lượng trong thời gian đến cuối năm 2023. Cùng chung nhận định, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết trong một báo cáo rằng, mức thiếu hụt dầu có thể lên tới 3,3 triệu thùng/ngày trong quý IV năm nay nếu các nhà lãnh đạo của nhóm OPEC+ duy trì việc cắt giảm sản lượng.
Đáng quan ngại hơn, IEA còn cảnh báo, tồn kho dầu thô sẽ cạn kiệt nghiêm trọng vào năm 2024, ngay cả khi những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn như Nga và Arabia Saudi dỡ bỏ hạn chế. Nguồn cung khan hiếm đã khiến giá dầu đã tăng hơn 25% kể từ cuối tháng 6 và có thể tăng trở lại trên 100 USD/thùng.
Chuyển đổi mạnh sang năng lượng tái tạo
Trước diễn biến phức tạp và leo thang của cuộc khủng hoảng năng lượng, nhiên liệu toàn cầu, tất cả các quốc gia, nhất là các nền kinh tế lớn tiêu thụ nhiều năng lượng, đều phải đưa ra giải pháp ứng phó của riêng mình, cả trước mắt cũng như lâu dài. Là khu vực chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất, các quốc gia châu Âu đã chi hàng trăm tỷ Euro để ứng phó với khủng hoảng năng lượng. Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) đã phân bổ 681 tỷ euro xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng, cộng thêm 103 tỷ euro được phân bổ ở Anh và 8,1 tỷ euro ở Na Uy...
Nhằm thoát cảnh phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, châu Âu và các nhà cung cấp khí đốt lớn từ Mỹ, Na Uy, Algeria, các nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng từ Trung Đông, châu Phi đã nỗ lực chuyển đổi năng lượng tái tạo bằng việc ký kết thỏa thuận với các nước Nam Kavkaz, thông qua kế hoạch hỗ trợ năng lượng tái tạo trị giá 28 tỷ Euro, hay mới nhất là thỏa thuận hợp tác giữa Đức và Na Uy. Mới đây nhất, Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam dẫn một báo cáo nghiên cứu cho rằng, châu Âu cần đầu tư 140 tỷ euro/năm đến năm 2030 và 100 tỷ euro/năm trong 10 năm tiếp theo để có ngành năng lượng bền vững. Theo đó, châu Âu có thể dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch hiện phụ thuộc nguồn cung trên thế giới và xây dựng ngành năng lượng bền vững vào năm 2040 nếu đầu tư khoảng 2.000 tỷ euro vào các nguồn năng lượng tái tạo trong đó có Mặt trời và gió.
Cùng với đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, các quốc gia châu Âu đều đã triển khai chính sách “tắt đèn” nhằm tiết kiệm năng lượng, nhiêu liệu. Phần lớn các nước châu Âu đã chuyển sang trạng thái “tiết kiệm từng kWh điện”. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu - nước Đức đang đi đầu trong nỗ lực tiết kiệm năng lượng khi tất cả các công trình công cộng, hội trường thành phố, tòa nhà hành chính, thư viện và bảo tàng chỉ được bật đèn sáng từ 4 giờ chiều đến 10 giờ tối hàng ngày.
Tại châu Á, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về năng lượng mặt trời. Dữ liệu của Hiệp hội Công nghiệp quang điện Trung Quốc cho thấy, năm 2013, công suất lắp mới của nước này là 10,95 GW (Gigawatt), lần đầu tiên vượt Đức trở thành thị trường quang điện lớn nhất thế giới và liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng này cho đến nay. Ước tính, năm 2023, Trung Quốc sẽ đạt quy mô công suất phát điện năng lượng mặt trời khoảng 490 GW, lần đầu tiên vượt thủy điện, trở thành nguồn phát điện năng lượng phi hóa thạch số một ở nước này.
Là quốc gia nhập khẩu ròng năng lượng với mức nhập khẩu đáng kể than, dầu và tương lai gần sẽ là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), Việt Nam chịu tác động lớn diễn biến của tình hình cung ứng năng lượng, nhiên liệu trên thế giới. Nhằm ứng phó hiệu quả, nước ta năm qua đã triển khai mạnh mẽ việc tiết kiệm năng lượng, nhất là điện. Chúng ta cũng đã đẩy mạnh quá trình chuyển dịch năng lượng và đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.