Mối lo… không thừa

ANTĐ - Điều 46, Luật Thi hành án hình sự (có hiệu lực từ ngày 1- 7- 2011) quy định về chế độ gặp thân nhân, nhận quà của phạm nhân, có đoạn: “Phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng trong không quá 24 giờ”.

Quy định này về hình thức đã thể hiện được chính sách nhân đạo đối với những người đang thi hành án, nhất là những can phạm có nỗ lực, quá trình cải tạo tốt. Nhưng khi “áp” vào thực tế, nó tất yếu sẽ xảy ra những tình huống gây khó khăn cho các trại và cán bộ quản lý. “Việc được gặp thân nhân sẽ có tác dụng giúp phạm nhân tích cực cải tạo. Nhưng sau những “cuộc gặp” ấy, nếu phạm nhân nữ có thai, rồi sinh con, sẽ giải quyết vấn đề ra sao?”, đại diện Trại tạm giam số 2 - CATP Hà Nội nêu một giả thiết… hoàn toàn có thể xảy ra.

Trước khi Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực, việc các phạm nhân chấp hành án ở trại tạm giam, trại giam được gặp gỡ định kỳ người thân là hết sức bình thường. Thậm chí ở một số địa phương, ban giám thị trại còn đề xuất và được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho bố trí “căn phòng hạnh phúc” để dành cho những phạm nhân có quá trình cải tạo tích cực. Thế nhưng trong thâm tâm của cán bộ quản lý trại giam, ai cũng “ngại” khi đối tượng được vào “căn phòng hạnh phúc” là phạm nhân nữ. Không phải bởi tâm lý “trọng nam, khinh nữ”, cũng không phải bởi phạm nhân nữ không tích cực cải tạo bằng phạm nhân nam; mà bởi, nếu áp dụng cho phạm nhân nữ, cán bộ trại sẽ hết sức vất vả tiến hành các biện pháp y tế và cả vận động thuyết phục, để tránh xảy ra “hậu quả”… hậu hạnh phúc.

Một đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong trại giam, trại tạm giam là điều bất cứ ai đều không mong muốn. Theo luật định, phải sau 3 tuổi, đứa trẻ ấy mới được đưa về cho thân nhân của phạm nhân chăm nom, hoặc đưa đến ở tạm tại trung tâm bảo trợ xã hội địa phương nơi phạm nhân đang thi hành án. Ba năm không phải là khoảng thời gian quá dài, nhưng việc đứa trẻ phải sống trong môi trường đặc biệt như trại giam, thì không chỉ thiệt thòi cho con trẻ mà còn hết sức khó khăn đối với công tác quản lý, chăm nom của các trại. Theo “tinh thần” của Điều 46- Luật Thi hành án hình sự, rõ ràng việc phạm nhân nữ thụ thai và sinh con là… khả thi. Nó thực sự là mối lo đối với các cơ sở giam giữ, và cần được “giải tỏa” bằng những Thông tư, Nghị định, để tránh niềm “hạnh phúc” của người này lại khiến nhiều người khác canh cánh.