Mối họa “tiền bẩn”

ANTĐ - Tham nhũng và trốn thuế mang lại nguồn lợi kếch xù cho các quan tham cũng như những kẻ hưởng lợi khác song nó cũng là mối hoạ ngày càng lớn tại các quốc gia đang phát triển vốn đang rất "khát" từng đồng vốn.

Chống tham nhũng và rửa tiền chính là góp thêm vốn cần thiết cho sự phát triển

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 1-12 công bố một báo cáo cho thấy, tham nhũng và trốn thuế là hai nguồn tiền bất chính lớn nhất ở các nước đang phát triển. Không nêu con số cụ thể song báo cáo của WB khẳng định nguồn tiền tham nhũng và trốn thuế chiếm một tỷ lệ đáng lo ngại trong tổng sản phẩm nội địa (GDP) của các nước đang phát triển.

Trong báo cáo trên, Malawi được dẫn ra như là một trong những ví dụ điển hình khi cho biết nguồn tiền tham nhũng chiếm 5% GDP và nguồn tài chính trốn thuế chiếm tới 12% GDP của quốc gia nghèo khó này ở châu Phi. Malawi là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người chưa tới 200 USD/năm và GDP cả nước cũng chỉ khoảng 2 tỷ USD.

Đất nước Namibia trên cùng Lục địa đen có trình độ phát triển và thu nhập cao hơn Malawi rất nhiều với GDP tính theo đầu người trên 5.500 USD/năm song "tiền  bẩn" từ tham nhũng và trốn thuế cũng chẳng hề thua kém. Số liệu điều tra của WB cho thấy nguồn tiền tham nhũng và trốn thuế cũng chiếm 9% GDP trên 12 tỷ USD của Namibia.

Báo cáo công bố ngày 1-12 của WB không nêu số liệu về số tiền tham nhũng và hối lộ trên thế giới nhưng các cuộc điều tra và nghiên cứu trước đó của tổ chức này cũng đã giúp thế giới có thể hình dung về bức tranh toàn cảnh. Theo WB, ước tính mỗi năm tham nhũng trên toàn thế giới gây tổng thiệt hại khoảng 2.600 tỷ USD, tương đương với hơn 5% GDP toàn cầu.

Tham nhũng đã khiến các doanh nghiệp tăng chi phí giao dịch tại các nước đang phát triển lên thêm tới 25%. Và trong khi môi trường kinh doanh trở nên kém hấp dẫn hơn vì chi phí này thì các quan tham trên toàn thế giới vẫn "bỏ túi" mỗi năm lên tới hơn 1.000 tỷ USD.

Tham nhũng và trốn thuế tác động lớn đến ngân sách quốc gia, làm giảm nguồn ngân sách dành cho các dịch vụ căn bản như giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng... khiến cho tiến trình phát triển kinh tế và xóa đói nghèo bị trì trệ. Thiệt hại kinh tế quá cao do loại tội phạm này gây ra còn làm tăng nhu cầu hoạch định và thực thi các chính sách chống các tội phạm.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng tham nhũng đe dọa sự phát triển kinh tế, nền dân chủ và ổn định tại các nước. Người đứng đầu tổ chức LHQ khẳng định, các hành vi tham nhũng là một loại phí ngầm, đẩy giá leo thang, làm xói mòn chất lượng và gây thiệt hại cho nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính cao cấp của WB Stuart Yikona, đồng tác giả của nghiên cứu công bố ngày 1-12, nhấn mạnh các nước hoàn toàn có thể lượng hóa được nguồn tiền bất chính này cũng như tác động tiêu cực của nó đến nền kinh tế quốc gia. Đó cũng chính là cơ sở để xây dựng và thực thi hiệu quả hơn các chính sách chống rửa tiền. "Các biện pháp chống rửa tiền được chuẩn bị tốt, trong đó có sử dụng tình báo tài chính… là các công cụ hữu hiệu chống tham nhũng, trốn thuế và các tội phạm tài chính khác" chuyên gia Stuart Yikona nhìn nhận.