Mỗi giây, toàn cầu có 108 cuộc tấn công mạng

ANTD.VN - Theo các chuyên gia, an toàn an ninh mạng là điều kiện cơ bản, là yếu tố sống còn trong tiến trình chuyển đổi số.

Đảm bảo an toàn thông tin để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng

Ông Nguyễn Huy Dũng- Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cho biết, năm 2019, mỗi giây trên không gian mạng toàn cầu trung bình có 108 cuộc tấn công mạng và 32 mã độc mới được tạo ra. Mỗi giây trên không gian mạng Việt Nam trung bình lại có 92 thông tin tiêu cực mới xuất hiện, chiếm tỷ lệ khoảng 8%.

“Năm 2020, tỷ lệ này dự báo sẽ tăng. Việt Nam đang bước vào tiến trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Vì vậy, an toàn an ninh mạng là điều kiện cơ bản, là yếu tố sống còn”- ông Nguyễn Huy Dũng nói.

Theo bảng xếp hạng toàn cầu của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, từ thứ hạng 100 năm 2017 lên thứ hạng 50 năm 2019. Việt Nam cũng được đánh giá về mã độc di động thấp thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Số lượng các cuộc tấn công mạng cũng giảm 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, theo ông Tống Viết Trung- Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng, khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam vẫn là tâm điểm của tội phạm mạng và có xu thế gia tăng kể cả số lượng và mức độ nguy hiểm.

Các cuộc tấn công chủ yếu theo các hướng: Tấn công vào các thiết bị di động; Tấn công mã hoá dữ liệu; Tấn công mạng có chủ đích; Tấn công vào các chuỗi cung ứng.

Theo các chuyên gia, việc gia tăng tấn công mạng vào các thiết bị di động trong thời gian qua gắn liền với việc các ứng dụng ngân hàng trên di động ngày càng được phổ biến. Tấn công mã hoá dữ liệu mặc dù vẫn đứng đầu về số lượng nhưng đang có xu thế giảm trong 2 quý cuối năm 2019. Động thái này có thể gắn liền với việc các vụ đòi được tiền chuộc ngày càng giảm, nên tin tặc không còn động lực duy trì phương thức tấn công này nữa.

Tấn công mạng có chủ đích APT vẫn là loại hình được các tổ chức tin tặc lớn, có sự hậu thuẫn của nhà nước, ưu tiên duy trì. Đây là hình thức tấn công tinh vi sử dụng các thủ đoạn kỹ thuật và phi kỹ thuật, leo thang từ hệ thống này sang hệ thống khác, nhằm đánh cắp thông tin, chiếm quyền điều khiển và phá huỷ hệ thống khi cần thiết. Các cuộc tấn công có chủ đích thường nhằm vào các cơ quan Chính phủ, các tập đoàn kinh tế Nhà nước và doanh nghiệp lớn.

Tấn công vào các chuỗi cung ứng là loại hình mới xuất hiện trong một vài năm gần đây nhưng đang có xu thế tăng nhanh và ngày càng nguy hiểm.

Do đó, các cơ quan đơn vị cần có sự quan tâm đúng mức với an toàn, an ninh mạng, phối hợp với cơ quan Nhà nước để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng.