Thu phí sử dụng đường bộ xe gắn máy:

Mỗi địa phương có quyền áp dụng mức thu khác nhau

ANTĐ - Thu hay không thu phí sử dụng đường bộ đối với xe gắn máy? Mức thu từ 0 đồng đến 150.000 đồng/xe/năm liệu có tạo ra sự chênh lệch giữa các địa phương? Xung quanh vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đã trao đổi với Báo An ninh Thủ đô.
Mỗi địa phương có quyền áp dụng mức thu khác nhau ảnh 1

- PV: Hiện có nhiều quan điểm trái ngược về thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, quan điểm của Ủy ban ATGT Quốc gia về việc này như thế nào?

- Ông Khuất Việt Hùng:  Luật pháp quy định, xe cơ giới đường bộ gồm ô tô, xe máy đều phải đóng phí bảo trì đường bộ. Người đi ô tô đóng nhiều hơn, xe máy đóng ít hơn. Trong khi đó, xe ô tô đã phải đóng phí đường bộ từ năm 2013 nhưng xe máy thì đến nay nhiều địa phương vẫn chưa triển khai thu. Thực ra, khó khăn lớn nhất của các địa phương là tổ chức thu như thế nào cho phù hợp, hiện chúng ta đang áp dụng cách thu thủ công, thu trên đầu phương tiện. Nếu, áp dụng được công nghệ thông tin vào việc thu phí, tổ chức thu qua tài khoản thì sẽ đơn giản hơn.

- Mức thu từ 0 đồng đến 150.000 đồng/xe máy/ năm có tạo ra sự không công bằng khi các địa phương áp dụng các mức thu khác nhau?

- Các địa phương có thể linh hoạt trong việc tổ chức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, có thể phân ra các đối tượng được miễn như hộ nghèo, sinh viên, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ phí đường bộ đối với các đối tượng này. Điều này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, thành.

- Nhưng nếu một số địa phương áp dụng mức thu phí đường bộ trên xe máy là 0 đồng, như vậy sẽ tạo ra sự bất cập?

- Đây chỉ là ý kiến cá nhân của Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm. Thực tế, HĐND TP.HCM đã có một Nghị quyết về thu phí đường bộ đối với xe máy. Nghị quyết này đã quy định mức thu từ 50.000-150.000 đồng/xe máy/năm.  

Mức thu từ 0 đồng đến 150.000 đồng cũng không phải Trung ương đẩy khó về cho địa phương, mà tạo điều kiện cho địa phương linh hoạt trong việc thu phí, sử dụng phí đường bộ. Các địa phương sẽ cân nhắc và căn cứ vào năng lực tổ chức thực hiện, căn cứ vào nguồn thu ngân sách của địa phương, vào cơ chế chính sách của địa phương để quyết định mức thu trên địa bàn mình quản lý. Nhà nước không ban hành một mức khung cứng, như vậy địa phương sẽ rất khó để làm.