Virus cúm gia cầm liên tiếp biến đổi:

Mối đe dọa từ gà nhập lậu

ANTĐ - Từ đầu năm, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về việc xuất hiện một chủng cúm gia cầm mới, có độc lực mạnh hơn, khả năng lây lan sang người và gây tử vong cũng cao hơn. Nhiều mối liên hệ cho thấy, các chủng virus mới này có nguồn gốc từ gà nhập lậu.

Mối đe dọa từ gà nhập lậu  ảnh 1
Virus cúm gia cầm mới xâm nhập theo đường gà nhập lậu 
Gây tử vong cao hơn

Ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Thú y cho biết, loại virus H5N1 mới xuất hiện, tuy vẫn thuộc nhánh cũ, nhưng đã có sự khác biệt với những virus cả ở nhóm A và B gây bệnh ở Việt Nam năm 2011. Nhóm virus này có khả năng khiến dịch cúm gia cầm tiếp tục lan rộng trong thời gian tới là rất cao. Còn theo Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, nhóm virus mới xuất hiện từ tháng 7, đến tháng 8 đã lan rất nhanh và rộng suốt một dải từ phía Bắc vào miền Trung. Loại virus mới này tương đối gần với nhóm A song độc lực cao hơn nhiều. PGS-TS. Tô Long Thành - Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương - Cục Thú y nhận định, nguy hại là chủng  virus này có khả năng gây chết người cao hơn các chủng cũ. Hiện, các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT đã bắt đầu phân tích làm rõ sự đe dọa của chủng virus mới này. 

Theo Cục Thú y, hiện cả nước còn 7 tỉnh có dịch cúm gia cầm với số gia cầm chết, tiêu hủy lên đến hơn 180.000 con. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn lo ngại, nhánh virus mới có thể từ nguồn gà loại thải Trung Quốc, nhất là gà giống nhập lậu vào Việt Nam trong thời gian qua. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần đánh giá: “Hiện tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở khu vực miền Bắc trở vào miền Trung. Cách đây 2 tháng, có một loại virus mới (nhóm C) xuất hiện ở Trung Quốc, gây ra dịch cúm gia cầm với khả năng gây chết người rất cao và  đang có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam”. 

Vaccine không có tác dụng

Trước đó, vào tháng 2, tháng 3, Cục  Thú y cũng đã cảnh báo về một chủng virus cúm gia cầm mới, tương đương với chủng virus cúm lưu hành ở Trung Quốc. Đáng lo ngại, chủng virus cúm mới này có tỷ lệ bảo hộ bằng 0% đối với vaccine đang sử dụng. PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng tỏ ra lo ngại về sự biến đổi của chủng virus cúm gia cầm. Ông Hiển cho biết, với nhóm cũ, vaccine cúm tiêm cho gia cầm chỉ đáp ứng 75%, trong khi với nhóm mới, vaccine hiện không có tác dụng, do đó nguy cơ lây lan trong gia cầm và sang người là rất lớn. “Sự biến đổi virus H5N1 ở gia cầm trong khi chưa có vaccine phòng bệnh đang làm tăng nguy cơ virus biến chủng lây từ người sang người”- ông Hiển lo ngại.

Trong điều kiện dịch cúm gia cầm đang bùng phát mà vaccine hết, chủng virus mới lại xuất hiện, ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Vệ sinh dịch tễ - Cục Thú y cho rằng, cách hiệu quả nhất để bảo vệ đàn gia cầm hiện nay vẫn là phát hiện, khoanh vùng dịch. Ngoài ra, giai đoạn chuyển mùa này rất thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển, vì vậy các địa phương cần theo dõi sát sao để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh. Đồng thời trong khi chưa có vaccine phòng ngừa hiệu quả cần ngăn chặn, kiểm soát được tình hình nhập lậu gia cầm qua biên giới để hạn chế mầm bệnh phát tán, gây khó khăn cho công tác quản lý, dập dịch. Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cũng chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp cùng các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu gà giống từ Trung Quốc do khả năng lây lan dịch của gà giống còn đáng sợ hơn rất nhiều so với gà thịt: “Virus cúm gia cầm H5N1 mới đang lan nhanh và nguy cơ gây chết người lớn và Chính phủ rất lo ngại và chỉ đạo sát sao việc này”.