Mối đe dọa hiện hữu

ANTĐ - Nỗi sợ hãi của thế giới với cơn bão khủng hoảng tài chính hồi năm 2007-2008 lại có nguy cơ tái hiện khi một “bong bóng tài chính mới” đang hình thành, đe dọa sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu. 

Biểu tình đòi các ngân hàng lớn phải có trách nhiệm để không xảy ra khủng hoảng

Đây là lời cảnh báo của ông N. Roubini, giáo sư kinh tế của Đại học New York (Mỹ), nêu trong bài phân tích đăng trên tờ “Les Echos” số ra gần đây. Ông N. Roubini cho rằng trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng, các ngân hàng trung ương trên thế giới gần như đồng loạt bơm tiền vào hệ thống kinh tế. Tuy nhiên, chính sách “mở van” tiền tệ này lại không kích thích tiêu dùng và đầu tư. 

Từng là cố vấn kinh tế của Nhà Trắng thời Tổng thống B. Clinton và sau là cố vấn của Bộ Tài chính Mỹ, năm 2006, tại một hội nghị của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ông N. Roubini đã đưa ra lời cảnh báo về sự sụp đổ của ngành địa ốc Mỹ khi tất cả những người mua nhà không có khả năng trả nợ cũng như sự sụp đổ của một số ngân hàng dẫn đến khủng hoảng toàn cầu. Lúc đó, không nhiều người tin vào dự báo này, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã nổ ra ngay sau đó, đưa ông N. Roubini trở thành một trong những nhà dự báo kinh tế được đánh giá cao nhất trên thế giới.

Trên thị trường, những dấu hiệu bất ổn cũng đã xuất hiện. Trước hết, dòng tiền hiện đang tăng lên do chính sách “mở van” tiền tệ nên các ngân hàng giữ rất nhiều tiền mặt, trong khi tư nhân, doanh nghiệp lại không hào hứng đi vay. Như vậy, tiền của các ngân hàng trung ương chảy vào hệ thống tài chính nhiều hơn là vào khu vực kinh tế sinh ra sản phẩm thực. Đây là lý do dẫn đến việc hình thành một quả bóng tài chính mới đang ngày càng phồng căng, có thể nổ tung nếu không được kiểm soát.

Tiếp đó là hiện tượng giá cả hàng hóa dao động mạnh gần đây. Theo nhiều nhà kinh tế, đây là hệ quả từ việc tổng giá trị các mặt hàng hoặc dịch vụ phái sinh trên thế giới hiện nay đã vượt Tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu. Trong giao dịch hàng hóa tương lai (hay còn gọi là phái sinh hàng hóa), khách hàng thực hiện mua, bán một khối lượng hàng hóa tại mức giá xác định và việc giao nhận hàng được thực hiện trong tương lai. Hiện nay, giá cả bị đẩy lên mức ảo và điều này có thể sẽ dẫn đến những cơn biến động. 

Nhớ lại cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, chỉ trong vòng 3 năm, cuộc khủng hoảng này đã cướp đi của nền kinh tế thế giới gần 200 nghìn tỷ USD. Đây là những thiệt hại vĩnh viễn về sản lượng tiềm năng của các nền kinh tế trên thế giới, cũng như những phí tổn trực tiếp để hỗ trợ các ngân hàng vượt qua khủng hoảng. Không muốn quá khứ tái hiện, thế giới không có cách nào khác là phải nhanh chóng kiểm soát sự ổn định tài chính và giảm thiểu sự tích tụ các nguy cơ mang tính hệ thống. 

Rất nhiều gợi ý và biện pháp được đưa ra nhưng có tránh được cơn bão tài chính mới hay không thì trách nhiệm trước hết là của các nền kinh tế hàng đầu thế giới.