Mới 9 tháng, nhiều ngân hàng đã "cạn room" tín dụng

ANTD.VN - Tăng trưởng tín dụng toàn ngành đang được khống chế ở 14%, nhưng tính đến hết 9 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã chạm, thậm chí vượt xa con số này.

Tín dụng tại nhiều ngân hàng tăng vọt

Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm của các ngân hàng, tính đến thời điểm này rất nhiều ngân hàng, nhất là những ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước công nhận đạt chuẩn Basel II đã có mức tăng trường tín dụng rất mạnh, nhiều ngân hàng vượt xa chỉ tiêu chung toàn ngành.

Trong đó, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) dẫn đầu hệ thống với tổng dư nợ tín dụng tính đến hết tháng 9 đạt 205.317 tỷ đồng, tăng 28,4% so với đầu năm (139.939 tỷ đồng).

Trong khi đó, huy động tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng này lại tăng chỉ tăng 8,6% đạt 218.655 tỷ đồng; còn tiền gửi của các tổ chức tài chính, các TCTD khác tại ngân hàng lại đạt đến 48.419 tỷ đồng, tăng 61,6% so với đầu năm.

Tại ngày 30/9, nợ xấu tại Techcombank là 3.704 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng tăng từ 1,75% lên 1,80%.

Không kém cạnh, dư nợ cho vay khách hàng của Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng tăng mạnh tới 28%,  đạt 123.223 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Tiền gửi của khách hàng cũng tăng mạnh 34% lên 113.717 tỷ đồng.

Tiếp đến là Ngân hàng Phương Đông (OCB) với dư nợ cho vay khách hàng tăng tới 20,7%, từ mức 56.316 tỷ đồng lên 67.967 tỷ đồng. Huy động vốn từ khách hàng của OCB đạt 66.790 tỷ đồng, tăng 10,6% so với đầu năm.

Một số ngân hàng đã được công nhận đạt chuẩn Basel II khác cũng có mức tăng trưởng tín dụng khá cao. Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng trưởng tín dụng hợp nhất đạt 14,7% so với cuối năm 2018. Tăng trưởng huy động đạt 19,9%.

MBBank dư nợ cũng tăng 11% lên gần 230.143 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng đạt 255.627 tỷ đồng, tăng 6,2%. Ngân hàng Á Châu (ACB) dư nợ cho vay khách hàng tăng 11,1% đạt 256.052 tỷ đồng; huy động tiền gửi của khách hàng đạt 298.007 tỷ, tăng 10,4% so với đầu năm.

Tại nhiều ngân hàng tầm trung và nhỏ khác, tăng trưởng tín dụng đã đạt quanh mức 10%. Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) dư nợ cho vay khách hàng tăng 11,2% đạt 93.318 tỷ đồng; huy động tiền gửi khách hàng tăng 7,6% đạt 90.754 tỷ đồng. VietCapital Bank tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 11%, lên 32.562 tỷ đồng; huy động tiền gửi đạt 34.231 tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm.

Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) dư nợ cho vay khách hàng tăng 13,1% đạt 290.477 tỷ; huy động tiền gửi của khách hàng tăng 14,3% đạt 399.370 tỷ đồng. VietABank dư nợ cho vay khách hàng tăng 12,8% đạt 42.768 tỷ; huy động tiền gửi của khách hàng tăng 10,2% đạt 45.589 tỷ.

Ngân hàng Việt Nam Thương tín (VietBank) tín dụng tăng 10,3% đạt 39.143 tỷ đồng; huy động tiền gửi tăng 13,8% đạt 45.351 tỷ. Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) tín dụng tăng 8,3% lên 31.907 tỷ đồng; huy động tiền gửi khách hàng tăng 7,8% lên 31.494 tỷ đồng. Ngân hàng Bắc Á (BacABank) tín dụng tăng 9,2% đạt 69.190 tỷ; huy động tiền tăng 4,3% đạt 75.680 tỷ đồng.

Trong khi tín dụng toàn ngành đang được kiểm soát, nhiều ngân hàng vẫn có tốc độ tăng dư nợ cho vay đột biến

Với việc tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đến nay đã "cạn room" tín dụng. Lãnh đạo một ngân hàng tầm trung cho biết hiện ngân hàng đang cố gắng xoay sở trong hạn mức còn lại, đẩy mạnh thu hồi nợ để cho vay mới, đồng thời chuyển hướng cho vay nhỏ lẻ để nhanh quay vòng vốn.

Trong khi đó, một số ngân hàng nhỏ khác lại có dư nợ tăng khá khiêm tốn. Ngân hàng Quốc dân (NCB) dư nợ cho vay khách hàng tăng 5,5% trong khi huy động tiền gửi khách hàng tăng mạnh tới 24% lên 58.343 tỷ đồng. PGBank dư nợ chỉ tăng 2,6% và huy đồng tiền gửi cũng chỉ tăng 4,4%.

Cá biệt như Ngân hàng An Bình (ABBank), dư nợ cho vay khách hàng sụt giảm nhẹ 27 tỷ xuống mức 52.157 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng cũng chỉ tăng 1,3% đạt 63.057 tỷ đồng.

Ngân hàng lớn phải “hãm phanh”

Tại nhóm 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước đến nay đã có Vietcombank và BIDV chính thức công bố báo cáo tài chính. Trong đó Vietcombank với lợi thế đã đạt Basel II có mức tăng trưởng dư nợ tín dụng khoảng 12%, đạt hơn 708 nghìn tỷ; huy động vốn cũng có mức tăng tương tự 12,5%, đạt hơn 902 nghìn tỷ đồng.

Các ngân hàng còn lại, do gặp khó trong vấn đề tăng vốn điều lệ nên tăng trưởng tín dụng tương đối hạn chế. BIDV dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,6% đạt 1,07 triệu tỷ đồng; huy động tiền gửi của khách hàng tăng 9,6% đạt hơn 1,08 triệu tỷ đồng. Agribank cũng cho biết, tổng dư nợ đạt 1,057 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 5,2%; vốn huy động đạt 1,29 triệu tỉ đồng, tăng 7,1%...

Riêng Vietinbank dù chưa công bố con số chính thức nhưng dự kiến sẽ thấp vì ngân hàng này chỉ đạt chỉ tiêu 7,7% cho cả năm 2019.

Với việc cho vay chiếm tới gần 48% toàn thị trường 1, việc big 4 ngân hàng phải “hãm phanh” tín dụng khiến tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống vẫn cách khá xa con số mục tiêu 14%. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 9/2019, tín dụng toàn hệ thống mới tăng 9,4%, khá thấp so với mục tiêu.

Theo khảo sát mới đây của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã giảm kỳ vọng tăng trưởng huy động và tín dụng trong thời gian tới.

Cụ thể, huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 4,39% trong quý IV/2019 và tăng 13,06% trong năm 2019, điều chỉnh giảm 0,42% so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Cùng với đó, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,85% trong quý IV/2019 và tăng 13,61% trong năm 2019, đã điều chỉnh giảm 0,72% so với mức bình quân kỳ vọng 14,33% ghi nhận tại kỳ điều tra trước.

Các tổ chức tín dụng cũng liên tục điều chỉnh giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2019 qua các kỳ điều tra từ 15,27% xuống còn 13,61% (tháng 9/2019).