Đảm bảo trật tự ATGT và sử dụng điện thoại đúng mục đích trong trường học:

Mở rộng thí điểm trong 4 quận nội thành

(ANTĐ) - Sau 3 tháng phối hợp giữa ngành giáo dục và CATP Hà Nội thực hiện thí điểm các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT và sử dụng điện thoại di động đúng mục đích, đúng nội quy, quy định trong và ngoài nhà trường, số vụ học sinh trên địa bàn vi phạm giảm đáng kể.

Nhà trường “đau đầu” với việc đảm bảo học sinh sử dụng điện thoại đúng mục đích

Tại 5 trường THPT triển khai mô hình điểm, số vụ vi phạm giảm dần từ 37 vụ trong tháng 2-2011 còn 12 vụ trong 3 tháng 3, 4, 5 năm 2011. Thống kê của 5 trường cũng cho thấy trong 10.632 học sinh thì chỉ có 47 học sinh có bằng lái xe, tỷ lệ 0,44%. Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, số học sinh có bằng lái xe ít trong khi nhu cầu thực tế sử dụng xe máy lớn cho thấy tình trạng vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến. Được biết, toàn thành phố từ tháng 9-2010 đến 5-2011 có 772 vụ do CATP phát hiện và xử lý. Tính riêng 5 trường đang thực hiện thí điểm mô hình đảm bảo trật tự ATGT có 84 vụ.  

Về tình trạng sử dụng điện thoại di động không đúng mục đích, Sở GD-ĐT đưa ra số vụ đánh nhau trong và ngoài nhà trường năm 2010 là 177 vụ, trong đó một số vụ học sinh quay hình đưa thông tin lên Internet gây bức xúc. Thống kê trong 5 trường cho thấy có 8.347 học sinh sử dụng điện thoại di động, chiếm tỷ lệ 83,47%. Tỷ lệ học sinh sử dụng điện thoại lớn với phương tiện hiện đại, khiến nhà trường khó quản lý.

Với kết quả ban đầu mô hình triển khai điểm nói trên, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đề xuất CATP tăng cường phối hợp với các trường trong việc đưa ra mô hình hoàn thiện để tháng

9-2011 sẽ tiến hành thí điểm đợt 2 với quy mô mở rộng ra 4 quận nội thành, nơi có mật độ giao thông lớn cũng như nhu cầu sử dụng điện thoại di động nhiều. Ông Nguyễn Hữu Độ khuyến khích các trường tăng cường các biện pháp cam kết để nâng cao nhận thức cũng như ràng buộc trách nhiệm giữa phụ huynh, học sinh và nhà trường trong việc xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự ATGT cũng như sử dụng điện thoại di động không đúng mục đích, gây phản cảm cho xã hội.