Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7):

Mở rộng sản xuất, cung cấp 1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong bối cảnh vaccine ngừa Covid-19 được xem là chiến lược hiệu quả nhất để đẩy lùi đại dịch, ngày càng nhiều ý kiến kêu gọi các nước giàu tăng cường chia sẻ vaccine với các nước kém phát triển hơn, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ nhất trí mở rộng sản xuất vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu để cung cấp ít nhất 1 tỷ liều vaccine cho thế giới thông qua các cơ chế chia sẻ và tài trợ.
Việc cung cấp vaccine hướng tới mục tiêu có thể tiêm chủng cho toàn thế giới vào cuối năm 2022

Việc cung cấp vaccine hướng tới mục tiêu có thể tiêm chủng cho toàn thế giới vào cuối năm 2022

Tuyên bố trên được Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 bắt đầu diễn ra ngày 11-6. Ngoài ra, Anh, nước đăng cai hội nghị này, tuyên bố sẽ tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong năm tới. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố cụ thể về cách thức phân bổ 100 triệu liều vaccine Covid-19 cho thế giới, khoảng 4 tháng sau khi cam kết rằng Anh sẽ cung cấp phần lớn lượng vaccine dư cho các nước nghèo. Theo đó, Anh sẽ tặng 5 triệu liều vaccine Covid-19 trước cuối tháng 9, bắt đầu trong những tuần tới. Khoảng 95 triệu liều vaccine tiếp theo sẽ được cung cấp trong vòng 12 tháng tới, bao gồm 25 triệu liều trước cuối năm 2021.

Khoảng 80% trong số 100 triệu liều vaccine Covid-19 mà Anh thông báo tặng cho thế giới sẽ được chuyển đến COVAX, phần còn lại sẽ được chia sẻ song phương với các quốc gia mà nước này lựa chọn. “Nhờ sự thành công của chương trình vaccine của Vương quốc Anh, chúng tôi hiện có thể chia sẻ một số liều dư với những bên cần chúng. Khi làm như vậy, chúng tôi thực hiện một bước tiến lớn để đánh bại đại dịch này” - ông Johnson nói. Theo Thủ tướng Anh, dự kiến tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, các nhà lãnh đạo các nước trong nhóm sẽ đưa ra những cam kết tương tự để “cùng nhau, chúng ta có thể tiêm chủng cho toàn cho thế giới vào cuối năm 2022 và đưa mọi hoạt động xã hội trở lại sau đại dịch Covid-19”.

Trước đó cùng ngày, Mỹ tuyên bố sẽ tặng 500 triệu liều vaccine cho 92 quốc gia có mức thu nhập từ nghèo đến trung bình thấp. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine vào cuối năm 2021, trong đó riêng Pháp và Đức mỗi nước tặng 30 triệu liều. Theo thông báo của Nhà Trắng, Mỹ sẽ viện trợ cho thế giới 200 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong năm 2021 và 300 triệu liều còn lại trong nửa đầu năm 2022. Tất cả đều sẽ được phân phối qua COVAX, sáng kiến vaccine toàn cầu do Liên hợp quốc bảo trợ hướng đến mục tiêu cung ứng vaccine cho các nước thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Lượng vaccine này giúp khoảng 250 triệu người trên thế giới được tiêm đủ liều.

Đây được coi là khoản hỗ trợ, đóng góp lớn nhất của Mỹ tính đến thời điểm này cho nỗ lực toàn cầu chống đại dịch Covid-19. Ông Biden gọi đây là một “bước đi lịch sử” trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu này và khẳng định, đây là trách nhiệm của Mỹ. Ông Biden nhấn mạnh, 500 triệu liều vaccine sẽ bắt đầu được vận chuyển vào tháng 8 này mà không có điều kiện ràng buộc kèm theo. Lô vaccine đầu tiên trong kế hoạch này sẽ được Mỹ chuyển giao vào tháng 8 tới. Trước đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã thông tin chi tiết về kế hoạch cung cấp 80 triệu liều vaccine cho các nước, được thực hiện từ tháng 6 này. Tổng thống Biden cam kết rằng, Mỹ sẽ là kho chứa vaccine trong cuộc chiến toàn cầu chống lại Covid-19.

Trước đó, vào ngày 9-6, truyền thông Mỹ dẫn các nguồn tin cho biết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden có kế hoạch mua 500 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNTech để phân phối cho các nước khác. Kế hoạch đóng góp vaccine của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh dư luận gần đây lên tiếng đề nghị các nước giàu cần thể hiện trách nhiệm lớn hơn trong đối phó với đại dịch, giữa bối cảnh nguồn cung vaccine cho các nước nghèo đang khan hiếm.

Trong thư ngỏ gửi tới lãnh đạo các nước G7 trước thềm Hội nghị thượng đỉnh, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo, chương trình COVAX trước mắt đang thiếu hụt 190 triệu liều vaccine so với các cam kết trước đó. UNICEF đồng thời hối thúc các nước viện trợ, cung ứng khẩn cấp vaccine từ nay đến tháng 8. Trước đó, COVAX từng đặt ra mục tiêu phân phối cho 92 nước hơn 2 tỷ liều vaccine trong năm 2021.