Mở rộng sân bay Điện Biên là trách nhiệm của Tổng công ty Cảng hàng không

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Bộ GTVT cho rằng, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam phải có trách nhiệm cân đối để đầu tư phát triển các cảng hàng không, có ý nghĩa về kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng như  sân bay Điện Biên.

Bộ GTVT vừa có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) triển khai đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đầu tư theo phương án mới là ACV sẽ đầu tư Khu bay mới và Khu hàng không dân dụng; đồng thời xác định đây là nhiệm vụ chính trị của Nhà nước giao cho ACV.

Bộ GTVT đề xuất, sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, ACV sẽ trình duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư theo quy định của Luật đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan.

Được biết đề xuất này được Bộ GTVT đưa ra sau cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Bộ GTVT, Bí thư tỉnh ủy Điện Biên, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và ACV để chốt phương án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.

Bộ GTVT cho rằng, đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên là trách nhiệm của ACV

Bộ GTVT cho rằng, đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên là trách nhiệm của ACV

Theo Bộ GTVT, ACV đang được giao quản lý, khai thác 21 cảng hàng không.

Do mỗi cảng có vai trò khác nhau trong việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng nên Nhà nước đã giao cho ACV quản lý, khai thác, đầu tư phát triển hệ thống 21 cảng hàng không để đơn vị này chủ động cân đối lợi nhuận từ cảng hàng không hoạt động có lãi, bù đắp cho cảng hàng không hoạt động chưa có lãi và vẫn phải đảm bảo hoạt động cả hệ thống 21 cảng có hiệu quả (bảo toàn và phát triển vốn).

Bên cạnh đó, khi cổ phần hóa, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ACV vẫn kế thừa các quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp như trước khi cổ phần hóa. Như vậy, ACV có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác các CHK có hiệu quả như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh… đồng thời cũng phải có trách nhiệm cân đối để đầu tư phát triển các cảng hàng không có ý nghĩa về kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng.

Do vậy, Bộ GTVT cho rằng, hiệu quả hoạt động của ACV phải được xem xét hiệu quả hoạt động toàn mạng cảng hàng không do ACV đang quản lý, khai thác, không nên xét riêng một cảng hay một dự án riêng.

Đối với cảng hàng không Điện Biên, trường hợp Thủ tướng Chính phủ giao ACV thực hiện đầu tư dự án xây dựng mở rộng Cảng, mặc dù chưa đem lại hiệu quả tài chính cho ACV nhưng việc đầu tư Khu bay mới sẽ khai thác được các tàu bay tầm trung như A320/A321, giúp mở rộng đường bay đi và đến Điện Biên, chi phí khai thác tàu bay rẻ hơn, giá thành hạ, qua đó làm tăng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế - xã hội và an ninh – quốc phòng của tỉnh Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.

Trong trường hợp được giao đầu tư cả Khu bay và Khu hàng không dân dụng, mặc dù chưa đem lại hiệu quả tài chính cho ACV, nhưng với tổng mức đầu tư khoảng 1.539 tỷ đồng không phải là lớn so với năng lực của ACV nên sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả tài chính toàn mạng cảng hàng không của ACV.

Về khả năng cân đối vốn, Bộ GTVT cho biết là trên cơ sở đánh giá tác động của đại dịch Covid-19, ACV đã nghiên cứu phương án trước mắt sẽ đầu tư Khu bay mới và cải tạo, mở rộng, tận dụng nhà ga hành khách hiện hữu để giảm chi phí đầu tư trong giai đoạn này. Việc đầu tư xây mới nhà ga hành khách theo quy hoạch sẽ được thực hiện trên cơ sở đánh giá hiệu quả khai thác trong giai đoạn tiếp theo.

Tổng mức đầu tư của phương án đề xuất là 1.539 tỷ đồng, giảm đáng kể so với phương án ban đầu là 3.100 tỷ đồng qua đó giảm đáng kể áp lực vốn cho ACV.

Trước đó, tại công văn số 8846/VPCP – CN, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất phương án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Còn tại góp ý về việc ACV tham gia đầu tư sân bay Điện Biên, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bày tỏ lo ngại hiệu quả kinh tế khi ACV rót tiền vào đây mà 50 năm chưa thu hồi được vốn.