Mở rộng ADIZ, Trung Quốc đã thu hẹp “không gian ảnh hưởng” của chính mình

ANTĐ - Ngày 23-11, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã công bố việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không mới chồng lấn cả vào khu vực các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền. Việc này đã dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ của rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo đó, máy bay các nước khi bay qua khu vực này phải thông báo trước về kế hoạch bay cho chính quyền Trung Quốc, đồng thời phải cung cấp tần số liên lạc vô tuyến cũng như phải mở máy điện đàm trong khi bay ngang khu vực này. Trung Quốc đe dọa là “quân đội sẽ có biện pháp khẩn cấp” nếu máy bay nước ngoài không tuân thủ yêu sách này, nhưng không nói rõ là sẽ có biện pháp cụ thể như thế nào.

“Vùng nhận diện phòng không” của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều nước như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, thậm chí là cả vùng lãnh thổ Đài Loan mà Trung Quốc tuyên bố là một bộ phận không thể tách rời, cũng lên tiếng chỉ trích. Không những thế, tối 25-11, Hoa Kỳ đã cử 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 bay vào “Vùng nhận diện phòng không” này như một tuyên bố là nó chẳng có giá trị gì trong mắt người Mỹ.

Ngày 25/11, đài phát thanh Hàn Quốc KBS dẫn tuyên bố của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc là họ sẽ thảo luận vấn đề này với phía Trung Quốc, trong khuôn khổ cuộc “Đối thoại chiến lược quốc phòng song phương” ngày 28/11 ở Seoul. Hàn Quốc khẳng định không để cho “vùng nhận dạng phòng không” của Trung Quốc ảnh hưởng đến vùng trời thuộc chủ quyền Hàn Quốc và làm tăng thêm mối căng thẳng tiềm tàng giữa hai nước.

Mở rộng ADIZ, Trung Quốc đã thu hẹp “không gian ảnh hưởng” của chính mình ảnh 1

Trung Quốc càng ngày càng bành trướng trên biển


Theo phía Hàn Quốc, “vùng nhận dạng phòng không” mà Trung Quốc đòi hỏi lấn vào không phận Hàn Quốc tại phía tây đảo Jeju, đảo Ieodo và một bãi đá ngầm ở phía tây nam bán đảo Triều Tiên. Theo đài KBS, chỉ tính riêng “vùng nhận dạng phòng không” mà Trung Quốc đòi hỏi tại đảo Jeju đã bao phủ một khu vực rộng 20km và dài 115km tức lấn sâu vào không phận Hàn Quốc đến 2.300 km2.

Về phái Đài Loan, Ủy ban An ninh của hòn đảo này cũng triệu tập phiên họp khẩn cấp bàn cách đối phó với tuyên bố thành lập “Vùng nhận diện phòng không” của Đại lục, bởi Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền tại Senkaku/Điếu Ngư. Đài Loan cho rằng ADIZ chồng lấn vùng nhận dạng phòng không của mình và tuyên bố sẽ có biện pháp để đảm bảo an toàn cho không phận Đài Loan.

Cũng vào ngày 25/11/2013, Australia đã triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối việc Bắc Kinh đột ngột tuyên bố lập một “Vùng nhận dạng phòng không” tại khu vực biển Hoa Đông. Bộ trưởng Ngoại giao nước này - Julie Bishop khẳng định: “Australia bày tỏ rõ ràng quan điểm không ủng hộ với mọi hành động vũ lực hoặc đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại biển Hoa Đông”.

Ngoại trưởng Australia nhấn mạnh: “Thời điểm và cách thức mà Trung Quốc đưa ra tuyên bố kể trên không thuận lợi, trong bối cảnh có nhiều căng thẳng hiện nay tại khu vực, và không đóng góp gì vào ổn định tình hình tại khu vực này”.

Mở rộng ADIZ, Trung Quốc đã thu hẹp “không gian ảnh hưởng” của chính mình ảnh 2

Bản đồ “Vùng nhận dạng phòng không” do Trung Quốc đơn phương công bố


Theo các chuyên gia quân sự, nếu Trung Quốc xác lập vùng này trong phạm vi vùng trời thuộc chủ quyền của họ phù hợp với luật pháp quốc tế thì có lẽ không có gì phải bàn cãi, một số quốc gia khác cũng đã làm như vậy. Bình thường, việc xác lập vùng này cũng phải tuân theo các nguyên tắc nhất định: trước hết nó không thể tách khỏi phạm vi vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia, nghĩa là không tách rời phạm vi không gian nằm trên lãnh thổ đất liền, vùng đảo, nội thủy, lãnh hải thuộc chủ quyền của quốc gia đó; ngoài phạm vi đó thì phải tuân thủ quy chế pháp lý quốc tế.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã công bố xác lập vùng nhân dạng phòng không này bao trumg không phận khu vực biển thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và phụ cận mà cả 2 bên Trung-Nhật đều tuyên bố chủ quyền, có đoạn lại chồng lấn lên “Vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc”, động chạm đến quyền “tự do bay” của các phương tiện hàng không của các nước liên quan khác theo quy định của Công ước Luật Biển của LHQ năm 1982.

Theo các chuyên gia, đây là lời cảnh tỉnh cho chính sách mở rộng vùng kiểm soát trên không, trên biển vô căn cứ của Trung Quốc đối với khu vực xung quanh, dẫn đến những rủi ro không lường trước được, như lời thủ tướng Nhật đã đề cập. Nếu Trung quốc vẫn ngoan cố theo đuổi chính sách “bành trướng về chủ quyền, mở rộng không gian kiểm soát”, thì thực chất họ đang làm hẹp đi “không gian ảnh hưởng của đất nước Trung Quốc” làm xấu đi hình tượng quốc gia của mình.