- Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị được đề nghị xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú"
- Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị được tặng Huân chương Hồ Chí Minh
Nhà chính luận sắc bén
Trong những năm nửa cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20 XX, bên cạnh thuận lợi là đường lối đổi mới do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đề ra từng bước tháo gỡ khó khăn, phát huy tác dụng trong đời sống đất nước, đã nảy sinh những lực cản mới trên cả bình diện lý luận và thực tiễn. Đấy là thời điểm nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên bộc lộ những dao động, thậm chí là lệch lạc, chệch hướng. Rồi sự kiện Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã tựa như cơn gió độc tràn vào nước ta… Hơn lúc nào hết, công tác tư tưởng, lý luận, trong đó có việc tuyên truyền, giáo dục và phản bác các quan điểm, luận điểm sai trái, đi ngược đường lối của Đảng, lợi ích của đất nước và nhân dân, được đặt ra cấp bách.
![]() |
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị |
Cùng các cây bút chính luận xuất sắc trên mặt trận báo chí Hà Đăng, Hữu Thọ, Phan Quang, Lê Bình, Trần Kiên… Phạm Quang Nghị - một cán bộ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở cái tuổi sung sức của người cầm bút - đã góp phần mang tới sinh khí mới, phong cách mới trong mảng báo chí chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ông là một nhà báo không chuyên, là cộng tác viên của Báo Nhân dân. Lợi thế của ông là công tác nhiều năm tại Ban Tuyên huấn Trung ương (sau này là Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), cơ quan tham mưu, chỉ đạo lĩnh vực tư tưởng và văn hóa của Đảng. Tại đây ông đã học hỏi rất nhiều từ các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều bậc thầy về báo chí và tư tưởng lý luận. Không chỉ có vậy, Phạm Quang Nghị còn dành nhiều thời gian đi công tác thực tế ở các địa phương, nắm bắt tình hình thực tiễn đời sống xã hội.
Các bài viết trong 2 tập sách chính là kết quả của sự nghiên cứu, tìm tòi công phu để phát hiện cái đúng, cái sai của vấn đề, tiệm cận chân lý khách quan. Ngay cả khi chuyển công tác khỏi Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, được Đảng giao những trọng trách mới, dù rất bận với công việc thường ngày ông vẫn thường xuyên cầm bút với phong cách viết, biểu đạt rất riêng để góp tiếng nói với báo chí. Việc đặt tiêu đề, văn phong, nội dung các bài viết của ông thường hấp dẫn, dễ hiểu, đi sâu vào lòng bạn đọc. Và không chỉ là một vài bài mà là hàng trăm bài viết, từ giai đoạn đầu đổi mới xây dựng đất nước tới giai đoạn nước ta phát triển và hợp tác quốc tế sâu rộng ngày nay.
Nhiều bài viết mang tính chất luận chiến sắc bén nhằm làm sáng tỏ những vấn đề chính trị - xã hội nóng hổi của cuộc sống, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân. Chẳng hạn, vấn đề “đổi mới tư duy” thường được nhiều người bàn luận trong Đảng và trong xã hội nhiều năm nay. Nhưng để nhận thức thực sự đúng về nó lại không đơn giản chút nào nếu không nắm nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng, nhất là phải thấu triệt tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Thêm nữa, phải biết vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo các học thuyết và tư tưởng đó vào công tác tuyên truyền và thực hành; đồng thời dám dũng cảm nhìn thẳng vào yếu kém, khuyết điểm để kịp thời sửa chữa trong quá trình công tác; tiếp cận chân lý bằng phương pháp biện chứng, đặt trong mối liên hệ với thực tiễn, trên cơ sở lập trường tư tưởng của Đảng, lợi ích của dân tộc và đất nước; lý giải các vấn đề về dân chủ và công bằng xã hội trong chủ nghĩa xã hội; lý giải vấn đề về Đảng cầm quyền… Tất cả những nội dung ấy và nhiều nội dung nữa được trình bày rõ ràng, mạch lạc, khúc chiết trong các bài viết, nhưng tập trung nhiều hơn là 19 bài viết ở Chương I với tiêu đề: “Chủ nghĩa xã hội: Ước mơ và hiện thực”. Những bài viết đã thể hiện tầm tư tưởng lý luận uyên thâm, sắc bén của một nhà chính luận của Đảng ta.
![]() |
Con người của thực tiễn
Nhận xét Phạm Quang Nghị còn là “con người của thực tiễn”, “con người của công việc” là hoàn toàn đúng. Bởi lẽ, sau khi tạm biệt “cái nôi” tri thức lý luận ở các nhà trường, học viện và ở số 10 Nguyễn Cảnh Chân (Hà Nội), nơi gắn bó hơn 10 năm công tác, theo sự điều động của Trung ương, ông về tỉnh Hà Nam làm Bí thư Tỉnh ủy, rồi làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, và Bí thư Thành ủy Hà Nội liền 2 nhiệm kỳ (2006 - 2016). Đó là các vị trí lãnh đạo công tác thực tiễn cực kỳ sôi động liên quan trực tiếp đến các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và đời sống nhân dân. Các bài viết toát lên đặc trưng này tập trung nhiều ở Chương II “Ý Đảng - Lòng dân”, Chương III “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, và Chương IV “Những kỷ niệm không còn của riêng”.
Dù đã được trang bị khá bài bản về kiến thức, lý luận, nhưng để làm tốt công tác thực tiễn không phải là việc dễ. Trước hết, người cán bộ phải phấn đấu rèn luyện đức và tài bền bỉ, kiên định bồi đắp ý chí và kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tổ chức. Bên cạnh những tố chất vốn có, Phạm Quang Nghị đã tích cực học tập tấm gương Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo của Đảng về việc gần gũi dân, lấy dân làm gốc. Trong bài viết “Đảng gần gũi trong lòng nhân dân” (tr 223, Tập I), ông viết: “Nhân dân gọi lãnh tụ, cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam là “Bác Hồ”, là “anh Ba”, “anh Sáu”, “anh Mười”, là “thằng Tư”, “thằng Út” và gọi chung là “người đằng mình”…”.
Trong bài viết “Mấy vấn đề của hộ nông dân nghèo đồng bằng sông Cửu Long - lắng nghe và suy ngẫm” (tr 230, Tập I), trong một chuyến đi công tác cùng Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông nêu ý kiến phê bình gay gắt của Tổng Bí thư đối với cán bộ địa phương xa rời thực tế cuộc sống của nhân dân. Tổng Bí thư nói: “Báo cáo kiểu này thì không ra vấn đề được. Chỉ thấy mấy con số thôi. Có lẽ tôi phải mời cả 4 cấp lãnh đạo xuống nghe người nông dân nghèo họ nói. Hôm qua tôi đi nghe trực tiếp, vào tận nhà dân, tôi thấy bà con nông dân nói rõ lắm. Vì sao mà nghèo, vì sao mà đói, rồi làm gì thì giàu. Cả người nghèo và người giàu đều nói rõ nguyên nhân. Hôm nay nghe các đồng chí, hỏi sâu một chút là không trả lời được”.
Ông thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân, phát hiện vấn đề và tổ chức chỉ đạo thực hiện quyết liệt, quyết tâm tháo gỡ bằng được các vấn đề nổi cộm, cả những việc tưởng như nhỏ nhặt, nhưng lại gây bức xúc trong nhân dân. Tuy phải dành nhiều thời gian để xử lý giải quyết hàng loạt công việc thường ngày, ông tự mình giữ vững nguyên tắc về mối liên hệ chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn. Đó là phương pháp giải quyết công việc của Phạm Quang Nghị. Ở bất cứ vị trí, trọng trách và hoàn cảnh nào, ông đều vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong những nhiệm kỳ lãnh đạo của mình. Do đó, ông không chỉ là người có tư duy thực tiễn, mà hơn nữa còn là nhà tổ chức thực tiễn rất thành công.
Đâu phải “Lão giả an chi”
Cuối năm 2016, sau 2 nhiệm kỳ công tác (Khóa X, XI) giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phạm Quang Nghị được Đảng, Nhà nước cho nghỉ chế độ. Dù được nghỉ hưu nhưng ông vẫn dành thời gian đáng kể để viết sách, viết báo và đóng góp cho công tác lãnh đạo của Đảng với nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao. Trong nhiều cuộc gặp mặt với lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu, ông là một trong những người thường được Ban tổ chức cuộc họp mời phát biểu.
Ông bộc bạch: “Hàng ngày mỗi khi gặp nhau, chúng tôi - những cán bộ đã nghỉ hưu, nghỉ công tác, nhưng lúc nào trong suy nghĩ, tình cảm và cả trách nhiệm vẫn luôn hướng về Đảng, về đất nước và những công việc hàng ngày đang diễn ra với mong muốn tiếp tục được tham gia đóng góp, dù chỉ là những đóng góp bằng sự phản ánh, đề xuất, kiến nghị, hay bằng tiếng nói để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ”. (Bài “Giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định…” - tr 458, Tập I). Là một cán bộ nghỉ hưu nhưng ông luôn tích cực tham gia đóng góp mọi việc có thể để góp phần giải quyết những công việc cấp bách của đất nước. Năm 2019 khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành và cuối năm 2024 cơn bão Yagi tàn phá Hà Nội cùng khu vực phía Bắc nước ta, ông và gia đình đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng cùng nhân dân thành phố khắc phục hậu quả dịch bệnh, thiên tai.
Có điều kiện về thời gian, Phạm Quang Nghị được trở lại với sở thích viết báo, viết văn của mình. Chỉ tính từ khi về hưu tới nay, ông đã viết và cho ra mắt bạn đọc 5 tác phẩm vừa mang tính chính luận, vừa mang tính văn học. Trong đó bộ sách “Công cuộc đổi mới, tư duy mới, thực tiễn mới” là tác phẩm mới nhất, dày dặn nhất và có thể nói là tâm đắc nhất của ông. Bỏ lại phía sau cái ngưỡng “xưa nay hiếm”, tư duy và bút lực của Phạm Quang Nghị vẫn hết sức dồi dào. Mọi người sẽ rất vui đón nhận các bài viết, các tác phẩm mới của ông trong kỷ nguyên vươn mình của Thủ đô và đất nước.
---
* Đầu đề bài viết lấy theo tiêu đề Chương V trong sách