Mờ mịt ngày nước Anh rời "ngôi nhà chung" EU

ANTD.VN - Cho dù thời hạn chót 29-3-2019 để nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã cận kề, song vẫn chưa rõ Xứ sở sương mù có thể rời khỏi “ngôi nhà chung” EU vào đúng giờ “G” đã định hay không.

Thủ tướng Theresa May đang thuyết phục các Nghị sĩ Anh chấp nhận phương án Brexit mà Chính phủ do bà đứng đầu đề xuất

Trong một quyết định khiến Thủ tướng Anh Theresa May thêm đau đầu, Quốc hội Anh trong cuộc bỏ phiếu mới nhất vào đêm 13-3 theo giờ Việt Nam đã loại phương án Anh rời Liên minh châu Âu (gọi là Brexit) mà không có thỏa thuận với tỷ lệ phiếu khá sít sao 312 phiếu chống và 308 phiếu thuận. Trước đó chỉ một ngày, Quốc hội Anh cũng đã bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh đã đạt được với EU với tỷ lệ 391 phiếu chống và 242 phiếu thuận.

Việc Quốc hội Anh hai lần bác bỏ phương án Brexit mà không có thỏa thuận đã khiến cho việc đảo quốc này khó có thể rời EU vào thời hạn chót 29-3-2019 theo như lộ trình mà London và Brusseles đạt được trước đây. Phát biểu tại Quốc hội sau phiên bỏ phiếu thứ hai, Thủ tướng Theresa May cảnh báo nước Anh sẽ phải đối mặt với việc trì hoãn Brexit dài ngày nếu như các nghị sĩ vẫn không ủng hộ thỏa thuận của bà. 

Thất bại lần thứ hai của nữ Thủ tướng Theresa May trong kế hoạch Brexit đã khiến tương lai nước Anh càng mờ mịt hơn khi chỉ 2 tuần nữa là đến thời điểm Anh chính thức rời EU. Sau 2 cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, nước Anh hiện phải đứng trước 3 sự lựa chọn: Một là, Anh sẽ ra đi không thỏa thuận; hai là, hoãn Brexit; và ba là, tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai tại nước này về Brexit.

Về nguyên tắc, nước Anh vẫn có thể rời EU vào thời hạn chót vào ngày 29-3 tới dù không có thỏa thuận “ly hôn” giữa hai bên. Tuy nhiên, Brexit mà không có thỏa thuận, hay còn gọi là “Brexit cứng” hầu như không phải là phương án được lựa chọn bởi như Thủ tướng Theresa May từng không ít lần khẳng định là Brexit “trong trật tự” có lợi cho cả Anh và EU.

Tương tự như phương án trên, việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai tại nước Anh về Brexit cũng là phương án rất khó xảy ra. Cả Chính phủ của Thủ tướng Theresa May, Quốc hội và nhất là cử tri Anh đều không muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mà biết trước có thể đào sâu thêm sự chia rẽ vốn đã rất sâu sắc tại đảo quốc này sau cuộc trưng cầu lần thứ nhất về Brexit.

Hoãn Brexit để tìm kiếm thỏa thuận cho tiến trình này được cho là phương án khả thi nhất với nước Anh hiện nay, song cũng đầy khó khăn. Trước khi điều này có thể xảy ra thì Thủ tướng Theresa May cần được Quốc hội Anh phê chuẩn lùi thời hạn Brexit, tiếp đó là đàm phán về thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU.

London và Brusseles vào tháng 11-2018 đã đạt được thỏa thuận Brexit sau thời gian dài đàm phán cam go. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị Quốc hội Anh thẳng thừng bác bỏ với tỷ lệ được mô tả là “cao chưa từng thấy” tại Hạ viện Anh.

Nhìn vào những gì đã và đang diễn ra có thể thấy Brexit rất khó có thể diễn ra vào đúng thời hạn chót 29-3-2019 và ngày nước Anh rời khỏi EU cũng vẫn mờ mịt. Trước mắt, Chính phủ của Thủ tướng Theresa May sẽ phải đề xuất với EU về gia hạn thời điểm kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon, cho phép trì hoãn Brexit sau giờ “G” của thời hạn chót. Đây là kịch bản được giới phân tích nhận định là khả thi nhất song cũng kéo theo nguy cơ những bế tắc xoay quanh tiến trình Brexit sẽ còn kéo dài.