Mở "mặt trận" chống khủng bố trên mạng xã hội

ANTD.VN - Mạng xã hội đã trở thành một “mặt trận”, đồng thời là một thứ “vũ khí” đặc biệt của các quốc gia ASEAN và 17 nước đối tác để chống lại mối đe dọa khủng bố, một hiểm họa và thách thức lớn tại khu vực.

Mở "mặt trận" chống khủng bố trên mạng xã hội ảnh 1Ngoại trưởng 10 quốc gia thành viên ASEAN và 17 nước đối tác nhất trí tăng cường sử dụng truyền thông xã hội trong cuộc chiến chống khủng bố

Ngoại trưởng 10 quốc gia thành viên ASEAN và 17 nước đối tác của hiệp hội tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 24 (ARF 24) ngày 7-8 đã nhất trí tăng cường sử dụng truyền thông xã hội trong cuộc chiến chống khủng bố. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh đang có nhiều lo ngại về những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ những tay súng khủng bố nước ngoài tại khu vực Đông Nam Á.

Theo Chủ tịch ARF, các nước tham dự ARF 24 đã nhấn mạnh "sự cần thiết của việc sử dụng truyền thông xã hội một cách toàn diện và hiệu quả, nhằm chống lại các hoạt động truyền bá chủ nghĩa khủng bố trên mạng". Cách thức sử dụng mạng xã hội cũng như sự hợp tác giữa các thành viên ARF nhằm chống lại mối đe dọa khủng bố sẽ được bàn bạc và thỏa thuận sau khi Hội nghị Ngoại trưởng ARF 24 ngày 7-8 đã “quyết” thông qua.

Việc các Ngoại trưởng tham dự ARF 24 đưa ra nội dung sử dụng mạng xã hội để chống khủng bố diễn ra trong bối cảnh các quốc gia ASEAN và Đông Nam Á, nhất là một số nước như Philippines, Indonesia và Indonesia, đang phải đối mặt với hiểm họa này. Trong đó, nước chủ nhà Hội nghị ARF cũng như các hội nghị Bộ trưởng ASEAN thường niên là Philippines đang phải chiến đấu để đánh bật những phần tử khủng bố tại thành phố Marawi trên đảo Mindanao ở miền Nam nước này.

Cuộc chiến khủng bố tại Marawi suốt hơn 2 tháng qua đã khiến khoảng 700 người, trong đó có hơn 520 phiến quân và gần 200 dân thường thiệt mạng, cùng 400.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Cuộc chiến dằng dai ở Marawi còn làm dấy lên lo ngại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể lập “vương quốc Hồi giáo” ở Đông Nam Á thông qua các tổ chức khủng bố địa phương, trong bối cảnh nhóm khủng bố khét tiếng này đang hứng chịu thất bại tại Syria và Iraq. 

Lo ngại trên càng có cơ sở khi xuất hiện nhiều tay súng nước ngoài tham gia nhóm khủng bố giao tranh với quân chính phủ Philippines tại Marawi. Trong khi đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện những lời kêu gọi “thánh chiến” nhằm  thiết lập một “vương quốc Hồi giáo” tại Đông Nam Á với “bàn đạp” là thành phố Marawi của Philippines.

Một quan chức ngoại giao nước chủ nhà Philippines của Hội nghị ARF 24 cho rằng cuộc chiến chống khủng bố không chỉ diễn ra trên thực địa mà còn đang không kém phần quyết liệt trên mạng Interrnet khi các đối tượng thánh chiến sử dụng mạng truyền thông xã hội để gieo rắc tư tưởng cực đoan, tuyển mộ và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.

Theo vị quan chức này, các phần tử khủng bố đang phát tán các video bạo lực trên các trang mạng xã hội như Twitter, Facebook và liên lạc qua ứng dụng nhắn tin Telegram, do đó các nước ASEAN cùng đối tác đã quyết định đối phó với mối đe dọa này thông qua thiết lập các nền tảng tương tự.

Khẳng định 10 quốc gia ASEAN cùng 17 nước đối tác đã sẵn sàng hành động để đối phó với hiểm họa khủng bố tại khu vực, quan chức ngoại giao Philippines đang phối hợp để hình thành một cơ chế khu vực nhằm giải quyết mối đe dọa an ninh chung. Trong đó, ARF sẽ thảo luận về việc hình thành một cơ chế để tăng cường các nỗ lực về an ninh công nghệ truyền thông thông tin - vấn đề mà Nhật Bản, Malaysia và Singapore đã tình nguyện đi đầu - nhằm “chiến đấu” chống khủng bố ngay trên “mặt trận” mạng xã hội.