Mở lại cuộc điều tra về vụ tử nạn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc 57 năm trước

ANTD.VN - Năm 1961, ông Dag Hammarskjold, Tổng Thư ký Liên hợp quốc bất ngờ tử nạn trên đường công tác tới Congo. Vụ tai nạn 57 năm trước đến nay vẫn là nỗi ám ảnh đối với tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới và có thể, bí mật sẽ được làm sáng tỏ theo yêu cầu điều tra lại mới đây. 

Mở lại cuộc điều tra về vụ tử nạn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc 57 năm trước ảnh 1Tai nạn xảy ra khi ông Dag Hammarskjold làm Tổng Thư ký Liên hợp quốc năm thứ 8

Yêu cầu điều tra lại sau 57 năm

Cuối tháng 3-2018, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết, ông đã tái cho phép Thẩm phán nổi tiếng Mohamed Chande Othman tiếp tục công việc điều tra vụ việc nói trên. Ông Mohamed Chande Othman đang nghiên cứu các nguồn tài liệu từ trước đến nay  chưa được khai thác, bao gồm cả tài liệu tình báo đã giải mật để tìm ra nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn của chiếc máy bay chở ông Hammarskjold cùng 15 người khác trong đoàn thực hiện sứ mệnh hòa bình ở châu Phi.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Thẩm phán Othman, cựu Chánh án của Tanzania đã soạn thảo một báo cáo gửi Tổng Thư ký Guterres, trong đó nhấn mạnh đến mối nghi ngờ đã lâu rằng ông Hammarskjold có thể đã bị ám sát. Bản báo cáo đưa ra “những mối nghi ngờ đáng tin cậy”, khác hẳn với kết luận từ cuộc điều tra ban đầu ngay sau khi tai nạn xảy ra rằng, lỗi của phi công cùng các sự cố khác đã khiến chiếc máy bay DC-6 đâm xuống gần Ndola, Bắc Rhodesia, nay là Zambia. 

Tổng Thư ký Guterres cho biết, ông cũng đã đề nghị các Chính phủ bổ nhiệm một quan chức cấp cao và độc lập để xem xét tài liệu lưu trữ nội bộ về thông tin tình báo, an ninh và quốc phòng của họ để xem có thể giữ thông tin liên quan đến cuộc điều tra về cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Dag Hammarskjold hay không. 

Nghi ngờ quanh tai nạn của một chính trị gia xuất chúng

Ông Dag Hjalmar Agne Carl Hammarskjold - người được ghi danh trên các tòa nhà trụ sở Liên hợp quốc ở New York là một nhà ngoại giao xuất chúng của Thụy Điển, là vị Tổng Thư ký thứ hai của Liên hợp quốc và là một người ủng hộ mạnh mẽ phong trào giải phóng thuộc địa ở châu Phi. Ông là người duy nhất được truy tặng giải Nobel Hòa bình. Sau khi ông Hammarskjold qua đời, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy khi đó tỏ ý hối tiếc vì đã phản đối chính sách của Liên hợp quốc tại Congo và nói: “Giờ thì tôi nhận ra rằng so với ông ấy, tôi chỉ là một người nhỏ nhen. Ông ấy là chính trị gia vĩ đại nhất của thế kỷ này”. 

Ông Hammarskjold là con thứ tư và con út của Hjalmar Hammarskjold, Thủ tướng Thụy Điển (1914-1917). Đáng chú ý, dòng họ Hammarskjold nắm giữ những vị trí quan trọng trong triều đình Thụy Điển từ thế kỷ XVII. Tốt nghiệp trường Đại học Uppsala với bằng Thạc sĩ Kinh tế chính trị và cử nhân Luật, ông Hammarskjold từng giữ các chức vụ như Chủ tịch Ngân hàng Trung ương, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển, Trưởng đoàn đại diện Thụy Điển tại Liên hợp quốc. 

Đêm 18-9-1961, vị Tổng Thư ký Liên hợp quốc tử nạn ở tuổi 56 trong chuyến bay đến Ndola để tham gia cuộc đàm phán nhằm chấm dứt ly khai và nội chiến ở tỉnh Katanga của Congo. Ông đã sắp xếp để gặp Moise Tshombe, thủ lĩnh phong trào ly khai Katanga, người được các chính quyền phương Tây hậu thuẫn cũng như bị các lợi ích từ khai thác mỏ chi phối nên tỏ ra không háo hức với việc đàm phán.

Cuộc điều tra chính thức ngay tai nạn gợi ý rằng nguyên nhân do phi công tính toán sai lầm về độ cao nhưng một trong những báo cáo được Ủy ban điều tra Liên hợp quốc công bố năm 1962 nói rằng, không thể loại trừ hành vi phá hoại. Chính điều này khơi nguồn cho những nghi ngờ và thuyết âm mưu như liệu có phải đã xảy ra một cuộc tấn công mà phi công lái máy bay chiến đấu là lính đánh thuê cho những kẻ ly khai. 

Kể từ đó, các nhà điều tra độc lập và các học giả đã dành nhiều năm thu thập và rà soát các bằng chứng đã bị bỏ sót hoặc kiềm tỏa. Trong cuốn sách ra mắt năm 2011 có tựa đề “Ai giết hại ông Hammarskjold?”, Susan Williams, học giả về phong trào giải phóng thuộc địa châu Phi tại trường Đại học London kết luận: “Cái chết của ông Hammarskjold gần như chắc chắn là kết quả của một sự can thiệp nham hiểm”. 

Một câu hỏi đặt ra là liệu các cơ quan tình báo phương Tây như Anh, Mỹ và Bỉ hay cựu chính quyền thực dân ở Congo có thể đã giữ lại thông tin liên quan đến cái chết của cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Hammarskjold? Trong báo cáo mới nhất, thẩm phán Mohamed Chande Othman - người đứng đầu cuộc điều tra cho biết, dù các Chính phủ phương Tây đã cung cấp một số thông tin nhưng họ đã không tiết lộ tất cả những gì họ biết.