Mô hình hay ở làng gỗ Hữu Bằng: Xây bể nước ngừa hỏa hoạn

ANTD.VN - Hàng chục bể nước ngầm, bể nước lộ thiên được người dân xây dựng tại làng nghề truyền thống sản xuất các mặt hàng gỗ xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội sẵn sàng cung cấp nước dập lửa, chống cháy lan, góp phần giảm thiểu thiệt hại mức thấp nhất nếu xảy ra hỏa hoạn.

Mô hình này được xây dựng từ nhu cầu thực tế tại địa phương, góp phần hiệu quả trong công tác PCCC tại cơ sở. 

Mô hình hay ở làng gỗ Hữu Bằng: Xây bể nước ngừa hỏa hoạn ảnh 1Cán bộ Cảnh sát PCCC hướng dẫn người dân sử dụng các vòi nước chuyên dụng

Nguy cơ tiềm ẩn

Đến xã Hữu Bằng, từ đầu làng đến cuối ngõ, nhà nhà, đâu đâu cũng thấy bóng dáng của... gỗ. Ngay cả bầu không khí cũng vơ vẩn bụi mùn gỗ, cộng với âm thanh ồn ào của máy móc, mùi sơn, bả... 

Có một điều đặc biệt, khác với nhiều làng nghề khác ở Hà Nội, xã Hữu Bằng có mật độ dân số rất cao, nhà ở được xây dựng san sát, lán xưởng nằm ngay trong khu dân cư. Thậm chí, xưởng sản xuất và nhà ở là một. Để tăng diện tích khu xưởng, nhiều gia đình đã xây dựng tường bao và mái che bằng tôn, trong xưởng chất nhiều vật liệu dễ cháy. Dù các cơ sở bố trí mặt bằng có khoảng cách đảm bảo công tác PCCC và ngăn cháy nhưng khó khắc phục được thực trạng là hệ thống dây điện hai bên đường và trong các khu nhà xưởng mắc nối chằng chịt; các tuyến đường chính dẫn vào làng còn nhỏ, lại dài và ngoằn nghoèo, không đủ chiều rộng 3,5m cho xe chữa cháy có thể tiếp cận.

Cùng với đó, mảnh đất Hữu Bằng nổi tiếng là nơi “đất chật người đông”, do nhu cầu nhà ở quá lớn, đa số các hồ nước ở làng đều bị san lấp để phục vụ công tác xây dựng. Vì thế, nước là thứ “hiếm” ở làng nghề này. Người dân ở đây từng phải mua nước sạch để sử dụng.

Những thực trạng đặc thù ấy đã và đang khiến làng gỗ Hữu Bằng trở thành một trong những điểm phức tạp dễ xảy ra cháy và khó khăn cho công tác cứu hỏa. 

“Ở làng này, nhà nào cũng làm gỗ. Nếu không may xảy ra cháy thì thiệt hại vô cùng lớn; không chỉ “mất cơ, mất nghiệp” nhà mình mà còn cháy lan sang các nhà hàng xóm. Chính vì thế chúng tôi phải tự ý thức bảo nhau bảo vệ tài sản của mình”, ông Nguyễn Văn Tiến (ở xã Hữu Bằng) chia sẻ.

Mô hình hay ở làng gỗ Hữu Bằng: Xây bể nước ngừa hỏa hoạn ảnh 2Lực lượng Cảnh sát PCCC CAH Thạch Thất hướng dẫn các công nhân sử dụng phương tiện chữa cháy

“Vốn quý” chống “giặc lửa”

Ở thôn Miễu, làng Hữu Bằng có một bể nước lớn vốn là giếng làng ngày xưa. Từ năm 2016, người dân đã cùng bàn bạc, đóng tiền để mua máy bơm nước và xây dựng hệ thống đường ống ngầm, đường ống mềm chiều dài hơn 500m để phục vụ công tác chữa cháy tại cơ sở.

Cùng với đó, một tổ “chữa cháy đặc biệt” được thành lập. Các thành viên trong tổ là thanh niên, trung tuổi và cả người già nhiệt huyết, kinh nghiệm. Mọi người học hỏi nhau và được cán bộ PCCC hướng dẫn sử dụng các thiết bị chữa cháy.

“Do đặc thù làng nghề, chúng tôi hiểu hơn ai hết nếu đám cháy xảy ra không xử lý ngay từ ban đầu thì thiệt hại sẽ không lường trước được. Từ ngày mua máy bơm và lắp đặt hệ thống đường ống, chúng tôi đã nhanh chóng dập tắt 4-5 đám cháy ngay từ khi ngọn lửa mới bùng phát”, ông Nguyễn Đình Hào (người thôn Miễu) tự hào kể.

Theo ông Đỗ Chí Năng - Trưởng Công an xã Hữu Bằng, ngoài bể nước lớn ở thôn Miễu, trong 9 thôn của xã người dân đã xây dựng hàng chục bể nước ngầm và hàng trăm thùng phuy đựng nước. Các bể nước ngầm có trữ lượng khoảng 300-500 m3 nước, được đậy nắp bê tông và khi xảy cháy, người dân sẽ dùng máy bơm, hút nước chữa cháy.

Nhận xét về ý thức của người dân cũng như hiệu quả của các bể nước dự phòng này, Thiếu tá Đỗ Văn Mạnh, Phó trưởng CAH Thạch Thất cho rằng: “Đây là sáng kiến hay phù hợp với tình hình đặc thù của làng nghề. Những bể nước ngầm vừa không ảnh hưởng đến giao thông, vừa tiện lợi phục vụ chữa cháy mà chi phí xây dựng không quá cao. Người dân sử dụng các máy bơm cơ động xử lý đám cháy trong thời gian chờ lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp đến sẽ góp phần giảm thiệt hại”. 

Được biết, CAH đã báo cáo, đề xuất UBND huyện  và cấp có thẩm quyền để nhân rộng cách làm này. Trước mắt trong năm 2019, CAH Thạch Thất sẽ tuyên truyền về tính hiệu quả, lợi ích của mô hình bể nước ở Hữu Bằng đến các  xã, làng nghề khác.

Cũng theo Thiếu tá Đỗ Văn Mạnh, địa bàn huyện mấy năm gần đây tình hình cháy nổ đã giảm rõ rệt và điều đó có được do ý thức của người dân đối với công tác đảm bảo an toàn PCCC, tự trang bị các thiết bị như bình cứu hỏa, máy bơm nước, bể nước, đường ống để chữa cháy khi ngọn lửa mới bùng phát. 

Huyện Thạch Thất có 7 xã làng nghề chuyên sản xuất đồ mộc, trong đó Hữu Bằng có 3.000 hộ sản xuất, kinh doanh trên tổng số khoảng 4.000 hộ. Những bể nước ở xã Hữu Bằng đã hỗ trợ lực lượng Cảnh sát PCCC cứu chữa được nhiều vụ cháy, giảm thiểu thiệt hại về tài sản cho người dân. “Thử tính mà xem, trụ sở cơ quan Cảnh sát PCCC huyện Thạch Thất từ khi nhận được thông tin đến khi có mặt tại hiện trường như xã Hữu Bằng nhanh nhất cũng phải 20 phút. Thời gian ấy, nếu người dân sử dụng máy bơm nước khoanh vùng, dập lửa thì sẽ giảm thiệt hại rất nhiều”, Thiếu tá Đỗ Văn Mạnh bày tỏ.