Mô hình 141 nên được nhân rộng

ANTĐ - Hôm qua, 23-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức triển khai Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. 

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, dự kiến trong tháng 2-2013, nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng sẽ được trình Chính phủ xem xét, ban hành. Tiếp đó, tháng 3-2013, các nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập, về trách nhiệm giải trình của cán bộ công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và việc thực hiện quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động sẽ được trình Chính phủ. Đặc biệt, theo Thanh tra Chính phủ, sự thay đổi về mô hình tổ chức Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở Trung ương và địa phương vừa qua “chưa thấy vấn đề gì vướng mắc”… Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đưa ra một kiến nghị đáng lưu ý: “Cần có chế tài đối với những cán bộ thanh tra, đoàn thanh tra không phát hiện ra tham nhũng mà quá trình thanh tra, điều tra sau đó phát hiện ra là có. Phải có quy định như vậy mới nâng cao tính trách nhiệm của công tác thanh tra”. 

Về thực hiện Nghị quyết 37/2012/QH13 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên Quốc hội ban hành Nghị quyết về công tác tư pháp, về đấu tranh phòng, chống tội phạm; thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với công tác này”. Ghi nhận những nỗ lực của các ngành tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nêu ra những ví dụ cụ thể cho thấy các cơ quan tư pháp cần rà soát kỹ các vụ án quá hạn, án nghiêm trọng. Đánh giá cao mô hình lực lượng 141 của CATP Hà Nội, bà Lê Thị Nga đề nghị: “Mô hình các tổ công tác của Hà Nội nên được nhân rộng”. Tán thành với những giải pháp trấn áp tội phạm, ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên thường trực UB Tư pháp đề nghị, “cần có sự phân tích nguyên nhân sâu xa và tìm ra giải pháp đồng bộ để ngăn ngừa”. Ông đặt câu hỏi: “Có phải do pháp luật chưa đủ sức răn đe? Cơ chế hiện nay có bó tay cơ quan chức năng trong thực hiện các giải pháp toàn diện hay không?”.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai Nghị quyết 37 của Quốc hội và đã nêu ra nhiều nhóm giải pháp đúng hướng. Tuy nhiên, cần chú trọng sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp; tạo cho được chuyển biến tích cực, rõ rệt trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đó là yêu cầu của Quốc hội và nhân dân cả nước đối với các ngành hữu quan. Đặc biệt, các ngành cần có biện pháp rà soát lại các trường hợp cụ thể, không để án tồn đọng quá lâu; làm xấu đi hình ảnh các ngành tư pháp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và từng vị ĐBQH phối hợp với HĐND các địa phương giám sát chặt chẽ việc thi hành Nghị quyết của Quốc hội ở địa phương mình, ngành mình và bày tỏ tin tưởng rằng Nghị quyết sẽ được thực hiện có kết quả.