Mở đại lý để lừa đảo bán vé máy bay giả: Lừa đảo ai, ai phải đền bù?

ANTĐ - Ngày 11-2, nguồn tin từ  cơ quan CSĐT - Công an quận Bình Thủy – Cần Thơ cho biết, cơ quan này đã tạm giữ đối tượng Lý Thông Thái (sinh năm 1992, trú tại phường Thạnh Lợi, huyện Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) để làm rõ hành vi vi phạm pháp luật. 

Nội dung vụ án

Theo kết quả điều tra ban đầu, Lý Thông Thái cùng anh ruột là Lý Thái Thông (trước đây trú tại số 77 Nguyễn Quốc Trị, phường 5, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) và chị ruột là Lý Thị Thùy Nhung đã thành lập 3 đại lý bán vé máy bay giá rẻ trên địa bàn TP.Cần Thơ tại các địa chỉ: 31 Vành Đai Phi Trường, phường An Hòa, quận Ninh Kiều; số 256 Võ Văn Kiệt, phường An Thới, quận Bình Thủy và số 6 Lê Hồng Phong, phường Trà An, quận Bình Thủy. 

Trong đó, địa chỉ số 256 Võ Văn Kiệt được đặt làm đại lý bán vé máy bay cho một Công ty ở TPHCM. Lý Thông Thái được phân công đặt vé qua mạng cho khách hàng và thu tiền tại địa chỉ trên. Khi có khách hàng đặt vé tại cả ba địa chỉ nêu trên thì vé được xuất tại địa chỉ 256 Võ Văn Kiệt. Cơ quan điều tra xác định, sau khi đặt vé và thu tiền cho khách hàng, ba nghi phạm trên không trả tiền cho Công ty ở TPHCM nên các vé này đều bị hủy.

Trước đó, nhiều người đang sinh sống và làm việc tại các tỉnh ĐBSCL có nhu cầu về quê ăn Tết đã đến các đại lý nêu trên để mua vé máy bay đi các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, gần đến Tết Nguyên đán, khi họ lên sân bay thì phát hiện tất cả vé đều là vé giả. 

Theo trình bày của các nạn nhân, khi đến mua vé máy bay, Lý Thái Thông là người đứng ra tiếp họ. Sau khi họ cung cấp nhu cầu vé như chặng bay, ngày đi, ngày về... Thông truy cập website của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) để đặt vé cho họ. Tiếp đó, Thông in ra 1 tờ giấy A4, có biểu tượng của Vietnam Airlines và ghi đầy đủ họ tên khách hàng, số code (mã đặt vé), hãng bay, chuyến bay đi và về, giờ làm thủ tục bay giao họ và thu tiền.

Đến chiều 11-2, Cơ quan CSĐT - Công an Bình Thủy đã xác định được 60 nạn nhân đã mua vé máy bay giả của nhóm trên với số tiền trên 210 triệu đồng. Hiện công an đang tiếp tục điều tra mở rộng và truy tìm hai nghi phạm có liên quan là Lý Thái Thông và Lý Thị Thùy Nhung.

Vấn đề là các đối tượng nhận tiền, giao vé không có hiệu lực cho những người mua vé phạm tội gì, trách nhiệm của Công ty có phòng bán vé máy bay tại 256 Lý Thường Kiệt và Hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) như thế nào?

Ý kiến bạn đọc 

Các nghi phạm có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Hành vi nhận tiền và cấp vé máy bay, nhưng không chuyển tiền cho Công ty đại lý vé máy bay để toàn bộ vé bị hủy là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản rõ ràng. Điều 139 Bộ luật Hình sự quy định chi tiết về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã cấu thành tội khi thủ đoạn gian dối xuất hiện ngay từ đầu, người phạm tội cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm làm cho người khác tin đó là sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản. (Xuất hiện trước hành vi chiếm đoạt). Các nghi phạm đã gian dối với khách hàng và có chủ ý chiếm đoạt tiền của những người mua vé máy bay ngay từ đầu, khi liên tục nhận tiền của khách mà  không chuyển tiền cho công ty đại lý vé máy bay. Vì vậy những nghi phạm này phải bị truy tố theo quy định của Luật Hình sự.

Bà Nguyễn Thị Bích (Đường Trần Hưng Đạo, TP Cần Thơ)

Công ty cho phép thành lập đại lý bán vé máy bay phải chịu trách nhiệm

Chúng tôi là những người bị hại trong vụ án này. Chúng tôi bị nhóm các nghi phạm lừa đảo trong việc bán vé máy bay không có hiệu lực. Nhưng mặt khác, chúng tôi mua vé vì thấy có văn phòng bán vé máy bay có giấy phép làm đại lý bán vé, nghĩa là chúng tôi tin vào giấy phép. Các nghi phạm có một điểm đại lý có giấy phép và bán vé máy bay đúng tiêu chuẩn của Vietnam Airlines. Chỉ có một điều là bán vé xong, điểm bán vé 256 Lý Thường Kiệt không chuyển tiền vé về công ty đại lý nên vé bị hủy. Vì vậy chúng tôi cho rằng công ty cấp giấy phép đại lý bán vé máy bay cho nhóm nghi can này lừa đảo phải chịu trách nhiệm trả lại tiền và đền bù mọi thiệt hại cho chúng tôi. Còn việc thanh toán nội bộ của công ty và các nghi can, chúng tôi không quan tâm.

Phạm Bé Ba (Đường Hồng Gấm, TP Cần Thơ)

Vietnam Airlines và các tổng đại lý không phải chịu trách nhiệm

Thực tế hiện nay Vietnam Airlines cho phép người đặt mua hoàn vé (với hạng vé thường trở lên). Lợi dụng kẽ hở này, một số đại lý sau khi bán vé cho khách đã âm thầm đi trả vé hoặc đổi tên vé để bán cho người khác. Vì họ là người đặt, nên việc trả vé, hoặc đổi tên đều hợp lệ. Về nguyên tắc, các công ty đại lý là người đặt vé, Vietnam Airlines và các tổng đại lý chỉ biết các đại lý là người đặt vé. Chính vì vậy Vietnam Airlines và các tổng đại lý không phải chịu trách nhiệm trực tiếp đến từng khách hàng mua vé máy bay qua các đại lý. 

Trần Thị Phúc (Từ Liêm, Hà Nội)

Các nghi phạm lừa đảo ai?

Các nghi phạm đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Không ai tranh cãi kết luận này. Vấn đề là các nghi phạm lừa đảo ai. Các nghi phạm không lừa đảo những người mua vé máy bay mà lừa đảo công ty đại lý vé máy bay. Hành vi này thể hiện ở chỗ các nghi phạm bán vé máy bay qua trang chủ của công ty đại lý (tài khoản EPR), nhưng không chuyển tiền. Hành vi hủy vé đã bán mà không thông báo cho những người mua vé là hành vi gây thiệt hại cho người mua vé. Trách nhiệm này thuộc về Công ty đã cấp giấy phép thành lập đại lý vé máy bay tại 256 Võ Văn Kiệt (TP Cần Thơ). Theo kết luận điều tra, vé máy bay mà các nghi phạm đã bán là vé thật, nhưng sau đó đã bị hủy. Vậy những người mua vé không bị nhóm nghi can này lừa đảo. Họ không đi được máy bay là do lỗi của Công ty cấp vé máy bay và sau đó hủy vé. Vì vậy theo chúng tôi, công ty bán vé máy bay phải đền bù tiền vé và thiệt hại cho khách hàng. Tòa án sẽ yêu cầu các nghi phạm trả tiền cho công ty bán vé máy bay.

Lâm Thị Thanh (Đông Hà, Quảng Trị)

Bình luận của luật sư

Như ý kiến của bạn đọc, các nghi phạm bán vé máy bay không có hiệu lực bay đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các nghi phạm sẽ bị truy tố theo khoản 2 điều 139 BLHS với mức tù giam từ 2 đến 7 năm và đền bù mọi thiệt hại. Vấn đề cần xem xét là các nghi phạm này lừa đảo ai và ai sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù tiền vé và mọi thiệt hại do không được đi máy bay đúng lịch trình gấy ra?

Ở đây cần phân tích rõ, về mặt pháp lý, Vietnam Airlines không chịu trách nhiệm với các khách hàng không mua vé tại hãng. Nhưng các đại lý bán vé máy bay thì khác. Thực tế, ngoài việc tổ chức bán vé trực tiếp cho Vietnam Airlines, các đại lý là cấp trung gian, đứng ra xin cấp tài khoản EPR, sau đó mở rộng mạng bán thông qua việc chuyển EPR cho bên thứ ba (doanh nghiệp, cá nhân) khai thác, sử dụng. Đây là hành vi sai trái của doanh nghiệp và doanh nghiệp bán vé máy bay phải chịu trách nhiệm.

Có hai trường hợp xảy ra. Nếu vé máy bay là vé giả, các nghi phạm lấy mẫu vé trên mạng, in ra và bán cho các bị hại thì về mặt pháp lý, các nghi phạm đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại là khách hàng, những người mua vé máy bay giả. Lúc này, ngoài chịu án hình cho việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhóm nghi can này sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự, đền bù tiền vé và mọi thiệt hại cho những người mua vé.

Nếu những vé máy bay mà nhóm nghi can này bán cho khách là vé thật và sau đó bị hủy do các nghi can không nộp tiền cho công ty đại lý thì vấn đề sẽ phức tạp. Vì là vé thật, nên đơn vị phải chịu trách nhiệm là đơn vị có tài khoản EPS, được quyền cấp vé máy bay. Còn việc thanh toán nội bộ các đơn vị kinh doanh, khách hàng không biết và không có quyền biết nên khách hàng không chịu trách nhiệm. Công ty đại lý vé máy bay có tài khoản EPS đăng ký với Vietnam Airlines phải có trách nhiệm đền bù cho các khách hành mua vé may bay đã bị hủy. Các nghi phạm sẽ tùy theo án quyết của tòa án đền bù lại cho công ty đại lý vì lúc này bên bị hại là công ty đại lý vé máy bay. Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư Hà Nội)