Mở cửa chỉ vừa đủ

ANTĐ - Đã hơn nửa tháng kể từ khi Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động xuống 13%/năm, nhiều ngân hàng đã “mở cửa” cho vay, nhưng muốn qua cửa, doanh nghiệp không chỉ là khách hàng “thân thiết, thường xuyên”, mà còn phải chứng minh được năng lực tài chính, tức là phải có tài sản thế chấp và có phương án kinh doanh hiệu quả. Bởi vậy nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn.
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm “đóng cửa” tăng khoảng 6% so với cùng kỳ quý I-2011. Riêng số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 57%. Thực trạng này xảy ra trong năm 2011, tiếp diễn trong 3 tháng đầu năm nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy vậy, theo phân tích của một số chuyên gia, điều này mới chỉ phản ánh phần nổi của vấn đề. Nhiều khả năng, số doanh nghiệp tạm “đóng cửa” để có thời gian củng cố “nội bộ”, sắp xếp lại hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc hoạt động cầm chừng để… nghe ngóng.

Rất có thể họ sẽ phải xin giải thể hoặc sa xuống vực “phá sản”. Nguyên nhân chủ yếu là hàng tồn kho chất đống mà vẫn phải trả lãi ngân hàng. Trong khi đó, hơn nửa tháng trôi qua từ khi ngân hàng hạ lãi suất, nhưng doanh nghiệp vẫn không thể vượt qua “hàng rào” tín dụng để tiếp cận vốn. Đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư của một số tỉnh cho rằng, nếu không có những biện pháp tháo gỡ nhanh chóng, số phận những doanh nghiệp mấp mé “bờ” giải thể hoặc ngừng hoạt động sẽ tiếp tục tăng.

Có ý kiến cho rằng, đừng nhìn vào mấy chục nghìn doanh nghiệp phá sản mà “rối cả lên”. Nếu số doanh nghiệp còn lại hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, còn hơn là nhiều mà yếu. Điều này không phải bàn cãi trong quy luật sàng lọc và đào thải. Song, quan điểm của Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước thì cho rằng, để “giải cứu” doanh nghiệp, trước mắt có thể giãn nợ cho doanh nghiệp và áp dụng những điều kiện cho vay mới. Nếu do khách quan, thì sẽ giãn nợ và nếu doanh nghiệp đủ điều kiện thì sẽ cung cấp vốn. Đó cũng chỉ là cánh cửa hẹp, bởi thực chất rất nhiều doanh nghiệp thực sự yếu kém. Làm sao ngân hàng có thể “dám liều” cho vay được!

Để tiếp cận dòng vốn giá rẻ, ngoài việc doanh nghiệp phải hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, họ còn phải đáp ứng đủ điều kiện cho vay chặt chẽ như dự án khả thi, có thể trả được nợ đúng hạn, tình hình tài chính lành mạnh. Một chuyên gia tài chính kinh tế phân tích, hiện lãi suất huy động đã giảm, nhưng lãi suất cho vay không thể giảm ngay lập tức. Các ngân hàng cũng có những khó khăn không kém về thanh khoản và đang chật vật tái cơ cấu.

Khó khăn chung nhưng không “chia đều” cho tất cả. “Cánh cửa” lãi suất đã mở chỉ vừa đủ cho những doanh nghiệp còn khả năng tiếp tục làm ăn được, phát triển được. Hỗ trợ, giãn nợ, để vực dậy, chứ không phải để cứu những doanh nghiệp quá yếu kém đến mức phá sản.