Minh "sâm" biện minh trước tòa: "Vào chợ không nộp phí là không được"

ANTĐ - Sáng qua (1-6), TAND tỉnh Bắc Ninh đã mở phiên tòa xét xử trùm giang hồ Minh “sâm” cùng 9 đối tượng liên quan về các tội “Cưỡng đoạt tài sản” và “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Đại diện VKSND tỉnh Bắc Ninh đề nghị xử phạt Minh “sâm” từ 20-30 tháng tù giam.

* Trùm giang hồ được đề nghị mức án từ 20-30 tháng tù giam

Minh "sâm" biện minh trước tòa: "Vào chợ không nộp phí là không được" ảnh 1Giám đốc giang hồ Minh “sâm” (hàng trên, ngoài cùng, bên phải)
cùng các bị cáo liên quan tại tòa

Chủ - tớ cùng ra tòa

Đúng như dự kiến, Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh “sâm”, SN 1960, trú tại ngõ Chợ Tre, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) bị đưa ra xét xử về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, theo Điều 135-BLHS. Thời điểm thực hiện tội phạm ở vụ án này, Minh “sâm” là Giám đốc Công ty TNHH Đại An và đã có  3 tiền án về các tội “Trộm cắp tài sản”, “Cướp tài sản”. Dính líu đến hành vi phạm pháp của bị cáo này còn có Nguyễn Thu Hằng (SN 1992), Trần Thái Sơn (SN 1991), đều trú ở phố Tô Hiến Thành, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là con gái và con rể Minh “sâm”. 

Tiếp đến là các bị cáo Nguyễn Văn Tùng (SN 1966), trú tại phố Nguyễn Trãi, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh; Vũ Quốc Khánh (SN 1990), trú tại Phù Lưu, phường Đông Ngàn; Phạm Văn Đức (SN 1991), ở Khu phố Đa Hội, phường Châu Khê, cùng thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Văn Hòa (SN 1975), trú tại tổ 14, phường Tích Lương, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Hữu Hoàng (SN 1991), ở khu phố Tỉnh Cẩu và Nguyễn Tiến Thắng (SN 1960), trú tại xóm Chùa, cùng phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cả 8 bị cáo liên quan đều bị VKSND tỉnh Bắc Ninh truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm giúp sức cho Minh “sâm”. Riêng bị cáo Quách Văn Lộc (SN 1975, trú tại thôn Thượng, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) bị truy tố về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”, theo Điều 230- BLHS.

Cáo trạng truy tố ổ nhóm tội phạm này cho thấy, quản lý 2 khu chợ chưa được phép hoạt động, Minh “sâm” lập ra các ban quản lý và giao cho Nguyễn Thành Hưng (tức Hưng “sóc”, SN 1953, đã chết) và Nguyễn Thu Hằng trực tiếp nắm giữ. Các tiểu thương ở chợ, hàng tháng ngoài việc phải trả tiền thuê 

ki-ốt, điện, nước và nhiều loại phí thì những phương tiện chở gỗ đến chợ hoặc đi qua đường Nguyễn Văn Cừ đều phải nộp phí bến bãi, tùy theo trọng tải của xe. Trường hợp lái xe hoặc chủ gỗ nào không nộp tiền lập tức bị đàn em của Minh “sâm” không cho dừng, đỗ, xuống gỗ tại các khu vực chợ hoặc gây khó dễ. Đối với những người “gan lì”, Minh “sâm” chỉ đạo đàn em đốt phá phương tiện hoặc hành hung. Với thủ đoạn đó, từ năm 2012 đến tháng 8-2014, Minh “sâm” cùng đồng bọn đã cưỡng đoạt được 184 triệu đồng của 12 người bị hại. 

Thể hiện thái độ “ông trùm” 

Mở đầu phần trả lời thẩm vấn của HĐXX, Minh “sâm” trình bày: “Bị cáo chỉ nghĩ là bỏ tiền ra làm đường, làm chợ nên phải thu phí để thu hồi vốn và trang trải hoạt động của công ty”. Khi tòa căn vặn các chợ gỗ do công ty bị cáo làm chủ đầu tư không xin phép hoạt động nhưng vẫn ngang nhiên thu tiền của tiểu thương, Minh “sâm” đáp: “Bị cáo nghĩ không phải xin phép”. Về các khoản phí tự đặt ra, bị cáo giải thích: “Bị cáo thường dặn các cháu nếu xe chạy qua thì thoải mái nhưng không dừng đỗ được. Nếu xuống gỗ sẽ hỏng đường của công ty và không thể nghiệm thu được do chưa bàn giao cho tỉnh”. 

Tiếp tục biện minh cho hành vi của mình, Minh “sâm” trình bày, bị cáo nghiêm cấm nhân viên đe dọa, đánh đập mọi người. Xe nào không nộp phí thì chỉ báo cơ quan chức năng xử lý. Còn nếu chuyển gỗ vào chợ thì phải nộp phí và có phiếu thu hẳn hoi, không được thu ngoài đường. Thể hiện vị thế “ông trùm” trước đàn em, Minh “sâm” lý giải: “Các cháu tính thanh niên nên nóng nảy chứ bị cáo không bao giờ bảo các cháu như vậy. Nhưng dù sao thì bị cáo cũng là người đứng đầu nên bị cáo xin chịu trách nhiệm”.

Nói về việc nhân viên thu phí trái phép ngay cả khi tiểu thương không vào chợ, Minh “sâm” phủi trách nhiệm: “Bị cáo không hề biết. Còn nếu vào chợ mà không nộp phí là không được. Bởi công ty bị cáo bỏ tiền ra làm chợ, làm đường thì đương nhiên phải thu phí”. Trả lời các câu hỏi của tòa, bị cáo còn biện minh: “Khi xây dựng chợ đã được sự đồng tình và chấp hành của đại đa số bà con. Một xe gỗ cả mấy chục tỉ đồng, bị cáo phải điều hàng chục bảo vệ trông giữ. Vì thế thu của họ 1 triệu, 2 triệu đồng là quá rẻ rồi”. 

Ở cuối phần trả lời tòa, Minh “sâm” thừa nhận: “Cái sai của bị cáo là không quản lý được nhân viên và hiểu biết pháp luật kém”. Sau cùng, bị cáo bày tỏ mong muốn được tòa xem xét đến những đóng góp của bản thân đối với địa phương trong thời gian qua. Tương tự “ông trùm”, các bị cáo từng là thuộc hạ của Minh “sâm”, gồm cả con gái và con rể đối tượng cũng đều thừa nhận hành vi cưỡng đoạt tài sản của hàng trăm người đến các chợ gỗ Phù Khê Đông, Phù Khê Thượng và chợ Tấn Bào, trong đó có 12 bị hại đã được làm rõ ở vụ án này.

Không còn án tích

Khác với những gì mà nhiều người dự đoán, phiên xét xử Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh “sâm”) cùng đồng bọn diễn ra khá nhanh và không chiếm hết thời gian cả 3 ngày như dự kiến ban đầu. Bởi ngay trong chiều qua, đại diện VKSND tỉnh Bắc Ninh đã bày tỏ quan điểm về đường lối giải quyết vụ án, đồng thời đề nghị xử phạt 10 bị cáo với những mức án khác nhau.   

Cụ thể, trùm giang hồ Minh “sâm” bị VKS đề nghị xử phạt từ 20-30 tháng tù giam về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, theo khoản 2, Điều 135-BLHS. Cũng với tội danh này, Nguyễn Thu Hằng (con gái Minh) bị đề nghị xử phạt 17 tháng 9 ngày tù, bằng đúng thời gian tạm giam. Tương tự, con rể của Minh “sâm” cũng bị đề nghị xử phạt mức án đúng bằng thời gian bị tạm giam, 18 tháng 6 ngày tù. Đối với 7 bị cáo cùng bị xem xét về tội “Cưỡng đoạt tài sản” còn lại lần lượt bị đề nghị xử phạt thấp nhất từ 12 tháng cho hưởng án treo đến 18 tháng 13 ngày tù giam. Đối với Quách Văn Lộc, đại diện VKSND tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị HĐXX sơ thẩm xử phạt 18 tháng 6 ngày tù giam (đúng bằng thời gian tạm giam) về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”, theo Điều 230-BLHS. 

Riêng bị cáo Nguyễn Ngọc Minh tuy từng nhiều lần phải thụ án tù về các tội “Trộm cắp tài sản”, song các bản án đó đều đã được xóa án tích. Do đó, lần phạm tội này không bị coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, bị cáo Minh cũng có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Bố mẹ bị cáo cũng có công với cách mạng. Vì thế, ngoài tình tiết thành khẩn khai báo cần phải áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác quy định tại Điều 46-BLHS. Hôm nay (2-6), TAND tỉnh Bắc Ninh sẽ chính thức đưa ra phán quyết.

Bị hại “đỡ lời” cho Minh “sâm”

Trong số 12 bị hại của vụ án thì có tới 11 bị hại có đơn xin được vắng mặt. Bị hại duy nhất tham dự phiên xử thì lại có những lời lẽ trình bày với dụng ý “bảo vệ” Minh “sâm”. Theo đó, nữ tiểu thương buôn bán gỗ ở Từ Sơn cho rằng, trước khi thu những khoản phí ở chợ, công ty của Nguyễn Ngọc Minh đều có thông báo rõ ràng. “Là một người kinh doanh, tôi thấy các khoản phí này là hợp lý nên tôi tự nguyện đóng góp. Còn việc bị cáo Minh cùng đồng phạm có thu tiền trái với quy định của Nhà nước hay không thì tôi không biết và đó là việc của cơ quan chức năng” - nữ bị hại này quả quyết.