Mình làm khó cho mình

ANTĐ - Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 5, tín dụng chỉ tăng 2,98%, trong khi mục tiêu cả năm là 12%. Để có thể về đích với khoảng cách 9% còn lại, quả là một thách thức không nhỏ, không dễ dàng đạt được khi mà nợ xấu vẫn đeo đẳng và các ngân hàng lại tỏ ra quá “chặt tay” trong việc xét duyệt khoản vay. Tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức khích lệ mặc dù cơ cấu chuyển dịch theo hướng tập trung cho sản xuất kinh doanh.

Tín hiệu tích cực của dòng vốn tín dụng rót vào một số lĩnh vực thể hiện khá rõ: tín dụng cho tam nông tăng 4%, xuất khẩu tăng 5,74%, doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 1%... Nổi bật là lãi suất các khoản vay cũ và đối với hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến thực phẩm được kéo xuống mức phổ biến là 10%. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định, “bài toán” lãi suất thể hiện được tính bền vững khi mà ở chiều huy động, mặc dù trầm huy động là 7,5%/năm, song nhiều ngân hàng huy động ở mức thấp hơn, thậm chí lãi suất huy động trung và dài hạn chỉ là 8%-8,5%/năm. Dù vậy, Thống đốc cũng thừa nhận áp lực lớn trong việc tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm để hoàn thành mục tiêu cả năm.

Đáng nói là, hết 6 tháng cuối năm ngoái, tăng trưởng tín dụng âm, nhưng đến tháng 3 năm nay đã đạt dương. Cho dù gặp khó khăn lớn do tổng cầu suy giảm, sức mua rất thấp, tài khóa chưa hỗ trợ xứng tầm, song có nhiều cơ sở để đạt mục tiêu. Chẳng hạn, tính đến nay các ngân hàng đã cơ cấu lại được 285.000 tỷ đồng các khoản nợ, xấp xỉ 10% tổng dư nợ tín dụng, mà nếu không sẽ trở thành nợ xấu. Cùng lúc, các tổ chức tín dụng đã trích lập được thêm 68.000 tỷ đồng, trong 4 tháng đầu năm đã xử lý được 7,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu bằng nguồn này. Một vài thành quả đạt được chưa đủ để vợi nhẹ nỗi lo tăng trưởng tín dụng cuối năm. Lãnh đạo một số ngân hàng lớn “hiến kế”, cần phải mở cả hai “van”. Trước hết phải giải quyết nhanh ách tắc việc xử lý tài sản bảo đảm, bởi việc phát mãi tài sản này vô cùng khó khăn, tiêu tốn thời gian và chi phí lớn nhưng ngân hàng không đòi được nợ. Thứ đến, Chính phủ cần tác động mạnh vào chính sách tài khóa để tăng tổng cầu. Cụ thể, tăng đầu tư công, qua đó kích thích tổng cầu, vừa giải quyết hàng tồn kho, kích thích tiêu dùng nơi người dân, đồng thời giải quyết công ăn việc làm, góp phần khơi thông tăng trưởng tín dụng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đặt câu hỏi, vì sao có áp lực tăng tỷ giá trong hai tháng qua? Một lý do cơ bản là ngân hàng thương mại thừa tiền nên không ít ngân hàng đã mua ngoại tệ dự trữ và một số khác mua về để “lướt sóng” kiếm lời. Như vậy, tăng là do ngân hàng thương mại mua vào chứ không chỉ do nhu cầu thị trường. Nếu cứ kinh doanh kiểu này thì chính mình lại làm khó cho mình. Phải chăng ông Thống đốc đã “bắt trúng bệnh” của ngành ngân hàng?