Minh chứng hùng hồn bác bỏ xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) như bao năm nay lại một nữa diễn lại “trò hề” xuyên tạc tình hình tự do ngôn luận cũng như dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam thông qua cái gọi là “Phúc trình thường niên” mà tổ chức này đưa ra hàng năm.
Những công dân được đưa về nước từ các vùng dịch bày tỏ sự cảm kích và biết ơn Chính phủ Việt Nam

Những công dân được đưa về nước từ các vùng dịch bày tỏ sự cảm kích và biết ơn Chính phủ Việt Nam

Lợi dụng nhân quyền để can thiệp, chống phá

“Phúc trình thường niên” hay còn gọi là “Báo cáo Thế giới hàng năm” mà Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) có trụ sở tại New York (Mỹ) vừa tung ra chẳng khác nào một thứ “bình mới rượu cũ”. Chứa đựng bên trong cái “bình mới” gọi là “Báo cáo Thế giới năm 2021” dày tới 761 trang này vẫn thứ “rượu” cũ rích cố ý xuyên tạc, bóp méo tình hình thực hiện quyền con người ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Về thực chất, những gì mà HRW đóng vai “quan tòa” phán xét về vấn đề quyền con người ở Việt Nam trong “Báo cáo Thế giới năm 2021” không có gì mới mẻ. Đó vẫn là những cáo buộc vô căn cứ đại loại như: “Việt Nam gia tăng trấn áp những người cổ vũ cho các quyền dân sự và chính trị cơ bản”; hay “Việt Nam lo sợ dân chủ, truyền thông độc lập và các quyền tự do”… để rồi tự khoác lên mình chiếc áo “quan tòa” để đưa ra “phán xét” xanh rờn: “Năm 2020, thêm một năm tồi tệ khủng khiếp nữa với nhân quyền ở Việt Nam” (?!).

Để “minh chứng” cho những nhận định của mình về vấn đề quyền con người của Việt Nam, HRW đưa ra những trường hợp mà tổ chức này cho rằng là “trấn áp” như: Phạm Chí Dũng tự xưng là “chủ tịch” của cái gọi là “Hội nhà báo độc lập Việt Nam” cùng các “hội viên” là Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn; hay Phạm Thị Đoan Trang, tự xưng là một cây bút-blogger nổi tiếng… Cùng với đó, là những cái tên Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư mà HRW khoác cho cái áo “tù nhân lương tâm”…

Chỉ cần nhìn vào những cái tên trên đây đã đủ để thấy ngay rằng HRW xuyên tạc, bóp méo vấn đề quyền con người ở nước ta như thế nào. Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thị Đoan Trang… hay Cấn Thị Thêu hoàn toàn không phải là những “nhà hoạt động và bất đồng chính kiến” bị “đàn áp” như cáo buộc phi lý của HRW. Trái lại, đó đều là những đối tượng vi phạm pháp luật hiện hành tại Việt Nam bị bắt giữ và xét xử theo đúng các quy định của pháp luật.

Đơn cử, mới đây nhất, ngày 5-1-2021 vừa qua, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Phạm Chí Dũng 15 năm tù, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn cùng 11 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam". Bán án nghiêm minh, đúng pháp luật này được đưa ra dựa trên những chứng cứ rõ ràng, không thể bác bỏ về hành vi vi phạm pháp luật của ba bị cáo này, trong đó riêng Phạm Chí Dũng đã sử dụng nhiều bút danh khác nhau để viết, đăng tải 1.530 tin, bài viết trên trang “Việt Nam Thời báo” của tổ chức bất hợp pháp “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” với nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam và chống Nhà nước XHCN Việt Nam.

Đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Những hành vi vi phạm pháp luật dù ở Việt Nam hay tất cả các quốc gia trên thế giới đều không được dung thứ và phải chịu sự chế tài nghiêm minh theo đúng pháp luật.

Không chỉ xuyên tạc, bóp méo về tình hình quyền con người ở Việt Nam, với việc cổ xúy cho những đối tượng vi phạm pháp luật, HRW rõ ràng đã bao che, dung túng cho những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí, sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại nước ta. Đó cũng chính là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia độc lập, có chủ quyền nhằm mục đích xấu xa chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Bác bỏ mọi xuyên tạc, bóp méo về tình hình quyền con người ở nước ta

Những thực tế sống động tại Việt Nam càng là những minh chứng hùng hồn bác bỏ mọi xuyên tạc, bóp méo về tình hình quyền con người ở nước ta, đồng thời khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền dân chủ, quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến. Các quyền con người được quy định một cách rõ ràng, cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được đảm bảo và tôn trọng trong thực tiễn cuộc sống.

Theo báo cáo mới đây của trang mạng “We are social”, năm 2020, Việt Nam có hơn 68 triệu người dân sử dụng internet, chiếm tỷ lệ 70% dân số - một tỷ lệ rất cao trên thế giới, với mục đích sinh kế, học tập, giải trí cũng như biểu đạt ý kiến và thực hiện các quyền con người của mình, kể cả những quyền dân sự, chính trị như tham gia đóng góp ý kiến với các dự thảo văn bản chính sách, pháp luật… và nhất là Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đặc biệt, Việt Nam tự hào là quốc gia đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc đảm bảo quyền con người khi vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19, thực hiện thành công “mục tiêu kép” kiểm soát tốt dịch bệnh và bảo đảm phát hiển kinh tế-xã hội, bảo đảm thu nhập, việc làm.

Việc Đảng, Nhà nước Việt Nam bằng các chủ trương, biện pháp đúng đắn, quyết liệt để khống chế và phòng chống thành công đại dịch Covid-19 hoành hành dữ dội khắp toàn cầu đã khiến hơn 96 triệu người mắc bệnh và hơn 2 triệu người tử vong (tính tới hết ngày 19-1) đã góp phần rất quan trọng vào việc Việt Nam đạt tăng trưởng dương ở mức 2,91%, mức cao hàng đầu thế giới. Đây là minh chứng hùng hồn bác bỏ mọi xuyên tạc, vu khống mà HRW cũng như các tổ chức, cá nhân thù địch, chống phá lợi dụng nhân quyền để rêu rao “Việt Nam vi phạm nhân quyền, không lắng nghe dân, không chăm lo cho lợi ích của người dân”.

Dù là một quốc gia ở mức phát triển trung bình thấp, Việt Nam đã phòng chống dịch hiệu quả và hơn thế đảm bảo tốt quyền con người cho nhân dân và cả người nước ngoài ở Việt Nam. Với quan điểm “vì dân”, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng và Nhà nước ta đã có những biện pháp mạnh mẽ, toàn diện, trước mắt có thể chịu thiệt hại về kinh tế, song bằng mọi giá phải bảo vệ tính mạng nhân dân.

Đặc biệt, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng, không để cho các nhóm người yếu thế bị thiệt thòi trong mọi hoàn cảnh. Các gói an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được nhanh chóng quyết định và triển khai một cách thiết thực, hiệu quả hướng tới những người khó khăn nhất trong lúc dịch bệnh. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu, Đảng và Nhà nước ta đã nỗ lực tổ chức hàng trăm chuyến bay nhân đạo, đưa khoảng 60.000 công dân Việt Nam, từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ vùng dịch về nước. Điều này minh chứng cho nỗ lực không mệt mỏi của Đảng và Nhà nước ta vì quyền con người, không phân biệt quốc tịch, sắc tộc.

Như vậy, có thể thấy rất rõ rằng HRW chẳng hề “đấu tranh cho vấn đề nhân quyền ở Việt Nam” mà chỉ lợi dụng điều mà họ rêu rao này để can thiệp vào công việc nội bộ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.