Minh bạch sẽ hết mù mờ

ANTĐ - Cùng với giá lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, viện phí… giá xăng dầu, điện, nước, than tạo thành những “làn sóng” khiến cho “con tàu” kinh tế cũng như đời sống người dân luôn trong tình trạng lắc lư, chao đảo. Khi nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, càng khó tránh khỏi sự cộng hưởng và ảnh hưởng của giá cả thế giới. Điều hành giá cả theo cơ chế thị trường đương nhiên là khó khăn, song không có nghĩa là luôn bị động trước những biến động theo quy luật thị trường.

Từ đợt tăng giá xăng dầu gần đây đến nay giá xăng dầu thế giới có xu hướng đi xuống, trong khi một số doanh nghiệp vẫn kêu “lỗ to”. Vấn đề minh bạch thị trường xăng dầu, sử dụng quỹ bình ổn giá, giảm thuế nhập khẩu, chiết khấu hoa hồng cho các đại lý của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đã được các chuyên gia và nhà quản lý cũng như dư luận nói quá nhiều. Dẫu vậy, điểm “mù mờ” về thông tin giá xăng dầu, nghi ngờ về lượng nhập hàng thực tế, đặc biệt là tình trạng tạm nhập tái xuất hàng nghìn tấn xăng dầu trên biển, vẫn là những câu hỏi “treo” lơ lửng. Cục trưởng Cục Quản lý giải thích, khi tính giá cơ sở làm căn cứ xem xét giá bán lẻ, cần nhất quán theo quy định của Nghị định 84/CP về kinh doanh xăng dầu. Điểm mấu chốt của Nghị định là không tính giá 

1 ngày, 10 ngày mà phải tính giá bình quân 30 ngày. Vậy mà cho tới nay, không có một số liệu chính thức nào từ cơ quan quản lý hoặc doanh nghiệp đưa ra chứng minh cho người dân biết, trong vòng 10 ngày qua hay 30 ngày qua, doanh nghiệp đã nhập được bao nhiêu lô hàng, giá cả ra sao. Ngay trong cách tính giá bình quân 30 ngày, có chuyên gia khẳng định, thực tế doanh nghiệp không thể nhập hàng trong cả 30 ngày. Họ chỉ chọn thời điểm nào đó nhập một số lượng nhất định, mức giá và thời điểm tính thuế nhập khẩu đều được tính toán rất kỹ. Vì thế, nếu tính chung giá bình quân của 30 ngày thì doanh nghiệp nào chỉ một vài lần nhập hàng, tất yếu sẽ được hưởng lợi lớn.

Vấn đề dư luận đang lo ngại sau giá xăng dầu là giá điện trong quý III sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình tối đa 3 tháng một lần. Vậy dựa trên cơ sở nào để tăng giá? Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải tính toán được giá thành sản xuất kinh doanh 1Kwh điện thương phẩm so với giá kế hoạch và kết hợp với những kết quả sản xuất kinh doanh những tháng trước để có thể đưa ra mức giá hợp lý, hợp lệ được cơ quan nhà nước xác định và đề xuất án điều chỉnh giá trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính. Tương tự, việc điều chỉnh tăng giá bán than cho điện, đồng thời giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 10% để giảm bớt lượng than đang tồn kho lớn, theo các chuyên gia cũng cần phải tiến tới thị trường hóa giá than, tức là điều chỉnh giá than cho phù hợp với giá bán điện, khuyến khích các hộ tiết kiệm năng lượng.

Đánh giá mặt bằng giá cả chung, mặc dù đang nhích từng bước trên lộ trình thực hiện cơ chế thị trường, song giới chuyên gia cho rằng, chừng nào chưa minh bạch được chi phí giá thực nhập, giá thành thì thị trường vẫn còn tù mù và người dân chưa hết “mù mờ”, hoài nghi. Minh bạch, sáng tỏ thì sẽ hết mù mờ.