Minh bạch để tăng sức cạnh tranh

ANTĐ - Sáng 17-1, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo “Minh bạch, nhất quán - Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp” nhằm đánh giá vai trò của doanh nghiệp trong sứ mệnh cải thiện tính nhất quán và minh bạch trong thực tiễn kinh doanh.

Đây là một trong những hoạt động nhằm tổng kết 3 năm hoạt động và kế hoạch tiếp theo của Dự án Sáng kiến xây dựng tính minh bạch và nhất quán trong doanh nghiệp tại Việt Nam (ITBI); Huy động sự tham gia và liên kết của tất cả các bên liên quan cùng hành động, kinh doanh dựa trên nền tảng đạo đức để phát triển bền vững trong lộ trình thực hiện Chiến lược Quốc gia 2020 về phòng, chống tham nhũng.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc minh bạch trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI, Trưởng ban chỉ đạo dự án ITBI: “Việc minh bạch sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí không chính thức, qua đó nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu như các doanh nghiệp không có sự minh bạch, liêm chính, công khai trong hoạt động sẽ khó có thể hội nhập kinh tế quốc tế!”.

Theo ông ConradcF.Zellmann, Phó Giám đốc Tổ chức hướng tới minh bạch, Cơ quan đại diện đầu mối của Tổ chức Minh bạch quốc tế (IT), có tới 60% doanh nghiệp chưa thực sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Thực tiễn khảo sát của tổ chức này cho thấy, những doanh nghiệp thực hiện minh bạch trong hoạt động thường có kết quả sản xuất, kinh doanh tốt hơn những doanh nghiệp không làm tốt điều này. 

Minh bạch, nhất quán trong kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được hình ảnh, được đối tác tin cậy, giảm chi phí không chính thức để cải thiện năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và môi trường kinh doanh. VCCI cho rằng, minh bạch và nhất quán là khái niệm còn khá mới mẻ đối với phần lớn doanh nghiệp Việt Nam. Tỷ lệ hiểu biết về lợi ích của tính nhất quán, và minh bạch tương đối nhỏ. Ngược lại, với các công ty đa quốc gia hiện đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, hai khái niệm này lại khá phổ biến và thực hiện như một đặc trưng của phương thức kinh doanh, là giá trị cốt lõi của doanh  nghiệp. 

Tổ chức IT cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Theo các chuyên gia, để thực hiện được điều này, cần thiết phải có chế tài đủ mạnh kết hợp với tuyên truyền, phổ biến quy định của Nhà nước đến từng doanh nghiệp; từ đó hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong kinh doanh. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp đang khó đủ đường lại phải “cõng thêm” các khoản chi phí không chính thức thì rất khó đương đầu với khó khăn. Lãnh đạo một sở của Hà Nội từng cho hay, nhiều doanh  nghiệp có tâm lý cứ gặp bằng được lãnh đạo cấp trên để trao đổi công việc mới “yên tâm”. Một doanh nghiệp làm thế, sẽ kéo theo rất nhiều doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng tâm lý và làm lan truyền thói quen xấu trong cộng đồng doanh nghiệp. Bởi vậy, nếu doanh nghiệp hiểu được giá trị của sự minh bạch, nhất quán, kèm theo một chế tài đủ mạnh cho bất cứ doanh nghiệp nào bị phát hiện có hành vi không minh bạch sẽ là “liều thuốc tốt”, chấn chỉnh thói xấu của doanh nghiệp, đem lại tâm lý an tâm cho nhiều doanh nghiệp khác.

Theo VCCI, thời gian tới sẽ tập trung nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về tính minh bạch và nhất quán trong hoạt động kinh doanh. Từ đó, giúp các doanh nghiệp xây dựng được Bộ quy tắc ứng xử và kinh nghiệm xử lý vi phạm tính nhất quán.