Minh bạch chỉ có lợi

(ANTĐ) - Khi đánh giá tổng kết nhiệm kỳ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã thẳng thắn chỉ rõ, chế độ báo cáo cung cấp thông tin về ngân sách Nhà nước của các cơ quan hành pháp cho các cơ quan của Quốc hội còn “bất cập”, “mang tính hình thức”, “làm ảnh hưởng trực tiếp” đến chất lượng thẩm tra và quyết định ngân sách của Quốc hội. Theo ông cần rút kinh nghiệm để những thông tin đó phải được cung cấp kịp thời, chính xác và có hệ thống cho Quốc hội.

Gần đây, Nhóm Công tác thị trường vốn thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, diễn đàn dành cho các doanh nghiệp tư nhân đối thoại với Chính phủ, đã đưa ra sáng kiến về việc thiết lập Lịch sự kiện kinh tế được công bố công khai định kỳ. Bộ lịch này bao gồm hàng loạt các thông tin về chính sách tiền tệ, tài khóa và các chỉ số. Chẳng hạn như chỉ số thất nghiệp, hàng tồn kho khu vực sản xuất, dữ kiện thị trường nhà đất, dự trữ ngoại hối, đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp…

Nhóm Công tác còn đề xuất có độ trễ “co giãn” từ 3 đến 6 tháng cho một số thông tin “nhạy cảm” nhưng không ở cấp độ “tối mật” như dự trữ ngoại hối. Trưởng nhóm Công tác thị trường vốn, trong phiên thảo luận trực tiếp với Chính phủ gần đây, đã không ngần ngại nói: “Chúng tôi mong muốn có sự trao đổi giữa các cơ quan của Chính phủ và cộng đồng các nhà đầu tư về các chính sách tiền tệ và tài khóa quốc gia. Thiếu trao đổi về các chính sách điều hành có thể tạo ra sự bất ổn kinh tế vĩ mô và khiến cho thị trường sống với những tin đồn”. Đề xuất này của Nhóm Công tác đã được kiên trì “đeo bám” trong suốt hai năm nay trong các phiên đối thoại với Chính phủ.

Giải thích về sự theo đuổi dai dẳng, đôi khi gây không ít khó chịu, ông Trưởng nhóm khẳng định rằng, với một Lịch sự kiện kinh tế được thực hiện tốt, Chính phủ có thể chuyển tải tới cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư một biểu đồ chân thực về sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù sức khỏe của nền kinh tế có lúc không thực sự tốt, nhưng chính chính sách minh bạch các chỉ số vĩ mô sẽ tạo ra niềm tin và giá trị cho Việt Nam. Nhớ lại hồi cuối năm ngoái, các nhà kinh tế và hoạch định chính sách không nhất trí về chỉ số lạm phát.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lạm phát là mất cân bằng tiền - hàng. Cứ lạm phát là biểu hiện của lượng tiền đưa ra, không còn có một cách giải thích nào khác. Tuy nhiên, ông không đưa ra hai con số cơ bản là tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng để chứng minh cho nhận định trên. Tuy vậy, hai con số này và các con số khác chưa nằm trong danh mục các chỉ số thống kê được công bố hàng năm. Song, chúng lại luôn xuất hiện trong các báo cáo tổng kết hàng năm của Ngân hàng Nhà nước.

Hai con số cơ bản này đã “ẩn hiện” nhỏ giọt trên các phương tiện thông tin đại chúng từ nguồn của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Ngoài ra, những chỉ số như dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán hay số liệu về nợ Chính phủ, nợ của doanh nghiệp, số tiền trả nợ cũng không được Tổng cục Thống kê công bố theo chức năng mà lại thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.

Đến thời điểm này, tính minh bạch đã bắt đầu bộc lộ rõ. Ngân hàng Nhà nước gần đây đã công bố một vài chỉ số tài chính và tín dụng trong các phiên họp Chính phủ. Tổng cục Thống kê cũng mới công bố Hệ thống chỉ tiêu quốc gia gồm 350 chỉ tiêu được doanh nghiệp và người dân rất quan tâm như tài khoản quốc gia, tài chính công, tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, đầu tư và xây dựng…

Đây thực sự là một bước tiến đáng ghi nhận từ phía cơ quan Nhà nước trong tiến trình minh bạch hóa thông tin kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân sách. Minh bạch chỉ có lợi, khi doanh nghiệp, người dân không biết hoặc biết “lờ mờ”, thậm chí sai lệch thông tin thì chỉ thêm hoang mang, suy nghĩ tiêu lực, giảm lòng tin.