Minh bạch, bình đẳng trong hỗ trợ doanh nghiệp

ANTĐ - Ông Đàm Tiến Thắng- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đã chia sẻ như vậy tại hội nghị: “Doanh nghiệp dân doanh- Động lực phát triển kinh tế Thủ đô” diễn ra chiều nay (24-5).

Doanh nghiệp dân doanh là động lực phát triển kinh tế Thủ đô

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được hưởng nhiều ưu đãi. Vì vậy, với tư cách là một bộ phận quan trọng trong phát triển kinh tế Thủ đô, doanh nghiệp dân doanh cũng cần được hưởng các ưu đãi này.

Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực với 53 doanh nghiệp, 60 sản phẩm. Các doanh nghiệp này được hỗ trợ về lãi suất, chi phí tổ chức hội chợ... “Tuy nhiên, doanh nghiệp cần không chỉ là hỗ trợ này, mà chúng tôi kêu gọi thực hiện bình đẳng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế, chính sách phát triển phải ổn định. Doanh nghiệp dân doanh rất năng động trong hội nhập kinh tế, có thể đi vào kẽ nhỏ của thị trường và sẽ thành công”- ông Đàm Tiến Thắng nhấn mạnh.

Để có thêm nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ, thành phố đặt mục tiêu năm 2020 sẽ có 150 sản phẩm công nghiệp chủ lực của 100 doanh nghiệp, tăng gấp đôi so với con số hiện any. Đây là mục tiêu tham vọng vì 5 năm qua, thành phố chỉ có thêm 3 doanh nghiệp chủ lực.

Ông Mạc Quốc Anh- Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội cho biết, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của đất nước và tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này rất dễ bị “chết” khi có biến động của nền kinh tế, đặc biệt sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay.

Dẫn chứng cho nhận định này, ông Mạc Quốc Anh cho hay, theo tài liệu nghiên cứu đặc điểm môi trường kinh doanh tại Việt Nam- kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy, có tới 84% doanh nghiệp được hỏi thừa nhận có khó khăn, 16% doanh nghiệp được hỏi tin rằng họ không trở lại thị trường hoặc chuyển đổi ngành khác.

Các khó khăn doanh nghiệp thường gặp phải là: Thiếu vốn/tín dụng (30%); Sản phẩm hiện tại thiếu về nhu cầu (27%); Cạnh trang quá lớn (21%); Thiếu máy móc hiện đại và thiếu cơ sở sản xuất. Trong khi đó, môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa thực sự tốt để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển. Vì vậy, để đội ngũ này lớn mạnh hơn, các cơ quan quản lý cần tiến hành nhiều biện pháp hỗ trợ đồng bộ. Thêm vào đó, tự thân doanh nghiệp phải nỗ lực để sáng tạo hơn, cạnh tranh hơn, có tầm nhìn dài hạn hơn.