Minh bạch... ảo!

ANTĐ - Phát biểu của Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP.HCM trong một hội nghị về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí mới đây đã khiến dư luận xôn xao.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, có một số giải pháp được đưa vào Luật Phòng chống tham nhũng, Nghị định của Chính phủ, thậm chí Chương trình Quốc gia phòng chống tham nhũng vẫn là ảo. Nên dù thực hiện đúng quy định, các biện pháp của pháp luật vẫn không đủ để ngăn chặn tham nhũng. Dẫn chứng ngay tại đơn vị mình công tác, Thiếu tướng Phan Anh Minh nói thẳng: “Trong báo cáo của Công an TP có hơn 1/3 biên chế của Công an TP kê khai tài sản. Nhưng kê khai xong rồi tổ chức bộ phận đút vô ngăn cất. Kê khai đúng hay không, có hợp lý hay không thì không ai biết”.

Kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, đảng viên được kỳ vọng là biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả nhưng thực tế dù đã gần chục năm thực hiện nhưng mang lại hiệu quả rất hạn chế. Trong số các biện pháp phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã đánh giá đây là biện pháp kém hiệu quả nhất. Cụ thể là thống kê trong 8 năm (2007-2014) của Thanh tra Chính phủ, trong số 5,5 triệu lượt kê khai tài sản mới chỉ có 18 cán bộ bị xử lý kỷ luật vì kê khai không trung thực. Chính đại diện cơ quan chống tham nhũng cũng phải thừa nhận nói kê khai hình thức là có cơ sở. Bởi kê khai thì nhiều nhưng phát hiện kê khai không trung thực lại rất ít, phát hiện đã ít rồi, lại phải căn cứ vào cơ chế, quy định pháp luật mới xử lý được.

Nguyên nhân của việc kê khai tài sản hầu như không có tác dụng phòng, chống tham nhũng là bởi nhiều người kê khai không trung thực. Theo quy định hiện nay thì kê khai tài sản, thu nhập dựa trên nguyên lý tự kê khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thế nên việc kê khai ở đa phần các đơn vị đều mang tính thủ tục, kê khai xong cũng chẳng có cơ quan nào thanh tra, kiểm tra xem người đó kê khai có đúng hay không, kết quả kê khai thì “đút ngăn tủ” theo đúng nghĩa đen.

Nếu chẳng may có cán bộ nào bị thanh, kiểm tra phát hiện tài sản không đúng với bản kê khai, thì cũng sẽ có hàng loạt cách để biện minh, đơn giản nhất là nói tài sản ông bà, bố mẹ để lại, của vợ, của con, của người khác cho… Khi chưa có một cơ sở dữ liệu, một hệ thống quản lý minh bạch, và nhất là khi người ta còn nể nang nhau, ngại đụng chạm thì sẽ có đầy rẫy những “đường hầm trong bóng tối” để ta “thoát nạn”.

Hiện nay Thanh tra Chính phủ đang đẩy nhanh triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm thu thập, quản lý và tổng hợp thông tin về kê khai, minh bạch tài sản trên toàn quốc. Theo cơ quan này, khi hệ thống này hoàn thiện sẽ được kết nối với thông tin dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức như kết nối về hệ thống thuế, dữ liệu đất đai và thông tin quản lý tài sản. Hy vọng, chúng ta đã đổ công tốn sức vào xây dựng luật, cũng như các công cụ để minh bạch hóa tài sản, thì khâu thực hiện cũng cần nghiêm túc, triệt để, không những giúp phòng, chống tham nhũng hiệu quả mà còn gây dựng niềm tin với nhân dân.