Miệt mài đuổi theo những “bóng hồng”

ANTĐ - Miệt mài với những “bóng hồng” để vẽ và chụp ảnh, Dzungart (Nguyễn Quốc Dũng) đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đậm nét thuần hậu của vùng đồng bằng Bắc bộ cùng tà áo dài truyền thống Việt Nam. Thương hiệu “Dzungart” đã nổi tiếng trong giới làm nghề và gắn liền với hình ảnh của các cô thiếu nữ trong trẻo. Nói thật không ngoa Nguyễn Quốc Dũng đã dựa vào phụ nữ để nổi tiếng và phụ nữ đã dựa vào anh mà tìm thấy những nét đẹp ẩn giấu. 

Tác phẩm “Mưa thu”

Ngộ ra vẻ đẹp ẩn giấu 

Tên gọi của các cuộc triển lãm đã diễn ra trước đây của Dzungart thường được gắn với những mỹ từ như: “Đi qua mùa sen”, “Giọt xuân”, “Mùa nắng phai”… đã mang đến cho công chúng những cảm xúc thật lắng đọng về một vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, về cái duyên của người con gái Việt. Nhưng Nguyễn Quốc Dũng lại xuất hiện với một hình ảnh trái ngược những gì được cho là mềm mại, uyển chuyển. Đó là sự xù xì, góc cạnh và một chút bụi bặm thường thấy của dân “phượt”. Các chuyến đi kéo dài từ tỉnh này đến tỉnh khác của anh cùng các cô người mẫu trẻ đẹp cũng cần đến sự thử thách và lòng kiên nhẫn giống như dân “phượt” để khám phá các vùng đất và tìm kiếm những góc chụp, những khung cảnh thật phù hợp với chiếc áo dài. 

Trước khi bắt tay vào chụp áo dài, Dzungart đã có thời gian dài say mê chụp áo yếm, chụp nude để rồi dần dần ngộ ra vẻ đẹp ẩn giấu của người phụ nữ qua tà áo dài. Theo anh nếu làm được điều đó tức là Dzungart đã mang được cốt cách, tâm hồn người phụ nữ vào tranh và ảnh. Áo dài anh chụp không phải thứ áo dài cách tân lộng lẫy mà hoàn toàn hoài cổ, kiểu dáng của những năm 50 và 70. Phong vị thuần hậu của vùng đồng bằng Bắc bộ đã được anh chuyển tải qua tà áo dài khi gắn liền với khung cảnh mộc mạc, đơn sơ của những ngôi đình cổ kính, mái nhà lớp ngói âm dương phủ rêu phong... Sự cất công của anh cũng đáng được ghi nhận khi các bức ảnh này được sáng tác hoàn toàn do tiền túi bỏ ra mà đơn giản chỉ để thỏa thú chơi của tác giả tự cho là đẹp là cần. 

Tác phẩm “Sắc cảm mùa thu”

Rắc rối vì phụ nữ

Một điều dễ dàng nhận ra trong các sáng tác của Dzungart về tà áo dài là “tính đời”. Mọi thứ hiện lên trong tranh, trong ảnh của anh đều tự nhiên như những gì vốn thuộc về hình ảnh gắn liền của người phụ nữ. Bí quyết thì có nhiều nhưng điều đơn giản nhất lại đến từ chính người mẫu. Những cô người mẫu trong sáng, thánh thiện của anh trong tác phẩm cũng chính là những người bạn gần gũi hiểu nhau trong cuộc sống và những người yêu ảnh. Trong mỗi tác phẩm của anh, người xem sẽ thấy: tất cả đều nghiệp dư trừ người chụp ảnh là chuyên nghiệp. Dzungart không thích và cũng không có đủ tiền để thuê các cô người mẫu chuyên nghiệp. 

Nổi tiếng nhờ phụ nữ, có niềm say mê sáng tạo cũng nhờ phụ nữ nhưng anh gặp không ít rắc rối và phiền phức cũng bởi phụ nữ. Liên tục làm việc cùng các cô gái trẻ trung, đi sáng tác đã đành, về nhà lại hý hoáy máy tính để sửa chữa ảnh về các cô ấy đã làm vợ anh không hài lòng. Vợ chồng anh có giai đoạn xung khắc bởi trong nhà đâu đâu cũng thấy hình ảnh các cô thiếu nữ xinh đẹp mà ảnh của vợ thì không thấy đâu. Nhưng dần dần chị cũng hiểu và ủng hộ anh. 

Sau những cuộc triển lãm tranh và ảnh ở trong nước, Dzungart đang có kế hoạch đưa ảnh áo dài Việt Nam ra nước ngoài để quảng bá. Tham vọng của anh còn lớn hơn thế không chỉ đơn giản để quảng bá tà áo dài mà anh còn muốn lưu giữ nét cổ kính, hoài cổ của các di tích đền đài trước sự tàn phá của thiên nhiên và con người. Dzungart đang rảo chân để kịp ghi lại khung cảnh trầm ấm của vùng nông thôn Bắc bộ trước khi anh trở thành kẻ chậm chân trong cuộc đua với thời gian.